Đại học Luật Hà Nội “cúng dường” bằng Tiến sĩ cho sư Thích Chân Quang

Ngày 1/7, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận của blogger Gió Bấc với tựa đề “Bằng tiến sĩ của sư Thích Chân Quang – siêu tốc, nặng mùi hương khói cúng dường”.

Tác giả đề cập đến những thắc mắc xung quanh bằng tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt – tức Thượng tọa Thích Chân Quang.

Tác giả nêu một số thắc mắc về quy trình, như: Tại sao, ông Chân Quang phải học Đại học Luật Hà Nội, tại chi nhánh liên kết với trường Cao Đẳng Bách Việt ở Sài Gòn? Luật sư Trần Vũ Hải thắc mắc về tính pháp lý của cơ sở đào tạo này.

Tác giả dẫn Phó Giáo sư Nguyễn Tiến Trung, giảng viên một trường đại học ở Sài Gòn, cho biết, thời gian để hoàn thành bậc tiến sĩ tiêu chuẩn là 3 – 4 năm, làm sao ông Thích Chân Quang có thể hoàn thành trong 25 tháng. Chưa kể, một cử nhân loại giỏi học thẳng lên tiến sĩ, phải học bổ sung từ 4 – 8 môn, và các nghiên cứu sinh cần tới gần 1 năm để hoàn thành.

Theo tác giả, không chỉ quá trình, mà nội dung luận văn tiến sĩ càng gây thêm phẫn nộ trong giới học thuật.

Tác giả dẫn đánh giá của nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, đề tài luận văn “Nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam” của Vương Tấn Việt là rất bất hợp lý, thiếu cơ sở lý thuyết và thực tiễn, đi ngược với luật pháp quốc tế.

Đồng quan điểm, tác giả dẫn Facebook của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Huy Cương, giảng viên khoa Luật của trường Đại học Quốc gia Hà Nội, với status khá gay gắt chỉ trích luận án này.

Tiến sĩ Cương dẫn một đoạn trong luận văn của Vương Tấn Việt:

“Tóm lại, Quyền con người do chính Nghĩa vụ con người quyết định. Có chăng, nhà nước chịu trách nhiệm tạo cơ hội cho con người được thực thi Nghĩa vụ, nghĩa là không để cho ai trở thành vô dụng, và nhà nước cũng chịu trách nhiệm cung cấp Quyền con người một cách công bằng tương xứng.”

Tiến sĩ Cương phân tích, quan điểm này đi ngược lại Tuyên ngôn Toàn Thế giới về Quyền con người năm 1948, và Điều 19 Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam. Ông kết luận:

“Vậy có phải Thích Chân Quang và trường Đại học Luật Hà Nội không thừa nhận tự do và nhân phẩm của con người (nền tảng của quyền con người mà đã được tuyên bố trong Tuyên ngôn về Quyền con người đã dẫn ở trên), bác bỏ pháp luật quốc tế về quyền con người, và không thừa nhận Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam?

Nếu đúng vậy thì có nên kết luận là phản động thực sự được không.”

Bên cạnh đó, tác giả cho biết, cộng đồng mạng đã phát hiện về nhiều điều bất thường trong quá trình nghiên cứu và bảo vệ luận án của Vương Tấn Việt.

Cụ thể, Facebook Thiền Tôn Phật Quang đưa sự kiện ngày 15/11/2020, tại Bảo tàng Hàng Không, Hà Nội, Thượng tọa Thích Chân Quang đã tổ chức buổi lễ tri ân thầy cô giáo, với sự tham gia của hơn 50 Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ, đến từ một số trường đại học ở Hà Nội, cùng với gần 1.000 Phật tử. Điều bất bình thường là hình ảnh một số thầy cô giáo quỳ đảnh lễ và dâng cúng dường cho học trò là Thượng tọa Thích Chân Quang.

Tác giả cũng cho biết, Luật gia Trần Đình Thu phát hiện, trong video ghi hình lễ bảo vệ luận án tại trường Đại học Luật, trong phần trình bày của Tiến sĩ Trần Kim Liễu – 1 trong 2 người hướng dẫn khoa học của ông Vương Tấn Việt, thay vì kính thưa Hội đồng, Tiến sĩ Liễu lại cung kính cúi đầu và kính thưa sư phụ. Hóa ra, lễ bảo vệ luận án của nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt, đã trở thành lễ vinh danh, cúng dường bằng tiến sĩ cho Thượng tọa Thích Chân Quang.

Tác giả tiếp tục cho biết, tác giả Khánh Duy trên báo Tiếng Dân phát hiện, Vương Tấn Việt không phải là tác giả của luận án. Theo đó, 6 file tài liệu trong luận án này đều không phải của ông Vương Tấn Việt, và một trong số đó là của tác giả Kim Liễu – có khả năng chính là người hướng dẫn ông Việt. Tất cả các thông tin của Khánh Duy đều có hình ảnh minh họa và link liên kết nguồn.

Tác giả kết luận, như vậy có quá nhiều dấu hiệu cho thấy bằng tiến sĩ của Vương Tấn Việt nặng mùi hương khói cúng dường.

Tác giả dẫn lời than của nhà báo Tâm Chánh, nguyên Tổng Biên Tập báo Sài Gòn Tiếp Thị, viết trên trên Facebook:

“Chuyện không còn là một gã thầy tu háo danh, mà đã thành chuyện nhân cách, tư cách của nhà khoa học, của người thầy, của bậc trí giả.”

 

Hoàng Anh – thoibao.de