Ngày 27/12, BBC Tiếng Việt bình luận “Vì sao chính quyền Việt Nam bỏ tù 9 nhà sư và Phật tử Khmer?”
Theo đó, 9 người Khmer bị ra tòa ngày 26/11, bị tuyên tổng cộng hơn 25 năm tù, về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” và “bắt giữ người trái pháp luật”.
BBC nhắc lại sự việc xảy ra ngày 22/11/2023, theo báo chí nhà nước, chùa Đại Thọ tại xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, đã treo 3 lá cờ “không phải cờ Phật giáo” trước cổng chính của chùa. Chính quyền huyện Tam Bình đã đến chùa để “vận động tháo gỡ” lá cờ trên, nhưng sư trụ trì là ông Thạch Chanh Đa Ra không chịu, mà “chỉ đạo các tu sĩ trong chùa đóng cổng”, và “có phát ngôn mang tính kích động, xúc phạm…”, bắt giữ người của tổ công tác.
Ông Thạch Chanh Đa Ra đã bị Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tam Bình kỷ luật, khai trừ khỏi Hội vào năm ngoái.
Theo BBC, 3 lá cờ trên là cờ của Liên đoàn Khmer Kampuchea Krom.
Vụ việc kể trên bắt đầu từ chuyện sư Thạch Chanh Đa Ra và một số người dân đã khởi công xây dựng “trái pháp luật” nhà nguyện Sala Chol Tian, trên đất trồng lúa của dân, vào năm 2020. Sau đó, chính quyền đã buộc dừng việc xây dựng vào năm 2023, và cho tháo dỡ công trình này vào tháng 4/2024.
Nhưng, BBC dẫn lời kể của ông Thạch Hanh, có người nhà bị kết án trong vụ nói trên, cho biết, khu nhà nguyện này được xây dựng nhờ sự đóng góp của cộng đồng người Khmer địa phương, và xây trên phần đất do một người dân hiến tặng, nhằm phục vụ nhu cầu của cộng đồng Khmer sống xa chùa Đại Thọ.
Ông giải thích, từ chùa đến ấp của ông mất 14 km, nên khu nhà nguyện này dành cho các ông bà già đến cầu nguyện, rồi “làm đám tiệc, đám ma, đám giỗ cho các gia đình nghèo, neo đơn, rồi làm lễ như các lễ cầu an hằng năm…”
Ông nói thêm rằng, theo truyền thống, nhu cầu được đi chùa thường xuyên của người Khmer là rất lớn.
Cũng theo ông Hanh, do xin phép chính quyền 4 lần mà không được, nên người dân tiến hành xây dựng, và khi khánh thành thì cán bộ xã vẫn tham dự.
BBC dẫn lời một người nông dân khác cho biết, không ai trong số 9 người bị xét xử có luật sư, và nói thêm rằng, kể từ khi người thân bị bắt, gia đình ông lâm vào cảnh khó khăn vì mất đi những trụ cột chính.
Ông nói, chính quyền cũng có một vài “nâng đỡ”, như giảm tiền bảo hiểm y tế và tiền học phí cho một số con em hộ nghèo; trường dân tộc nội trú của tỉnh có chương trình dạy tiếng Khmer. Nhưng nhìn chung, đời sống của người Khmer vẫn khó khăn, không có đường sá và nước sạch, đi tu hay mở trường học tiếng Khmer trong chùa, cũng phải xin phép.
Theo BBC, những rạn nứt giữa cộng đồng người Khmer tại Nam Bộ với chính quyền Việt Nam đã tồn tại nhiều năm qua. Chính phủ Việt Nam bị chỉ trích là “muốn đồng hóa người Khmer”, và luôn lo ngại về việc hình thành một “Nhà nước Khmer Krom”, nên đã siết chặt việc kiểm soát các hoạt động của cộng đồng này, trong đó có tôn giáo.
BBC dẫn lời ông Xarong Trần, Phó Chủ tịch Liên đoàn Khmer Kampuchea Krom, đang tị nạn tại Ý, nói rằng, việc bắt người, bỏ tù nói trên, xuất phát từ những mâu thuẫn “rất nhỏ”.
Đó là việc ông Thạch Chanh Đa Ra không muốn tuân theo chỉ đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và cộng đồng Khmer muốn thành lập Giáo hội Phật giáo truyền thống của riêng họ.
“Theo phong tục của người Khmer, muốn đi tu thì chỉ cần xin phép cha mẹ, đâu có liên quan đến chính quyền. Người Khmer không đi tu thì sao học được ngôn ngữ Khmer, sao học được phong tục tập quán người Khmer” – ông Xarong Trần nói.
“Chính quyền chỉ cho những người thân chính quyền lên làm trụ trì. Còn dân thì muốn những người thực sự sống vì đạo và vì dân bổn sóc… Chính quyền đã can thiệp quá sâu vào đạo giáo và phong tục của người Khmer.”
Ý Nhi – thoibao.de