LS Trần Hồng Phong: ‘Không loại trừ cạnh tranh chính trị trong vụ Hồ Duy Hải’
Phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, người bị kết án hai tội danh “Giết người” và “Cướp tài sản” 12 năm trước, diễn ra sáng 6/5 tại Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao, Hà Nội. Cuối năm 2014, Hồ Duy Hải đã suýt nữa thì bị thi hành án tử hình. Việc hoãn thi hành án tử hình chỉ được thực hiện trước đó một ngày nhờ sự can thiệp của chủ tịch nước Trương Tấn sang sau khi nghe trình bày qua điện thoại của Luật sư Trần Văn Tạo.
Phiên xử dự kiến kéo dài trong ba ngày, từ 6-8/5, do chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa.
Hồ Duy Hải không được triệu tập như hai phiên tòa trước do đây là phiên tòa chủ yếu xử trên hồ sơ nhưng luật sư Trần Hồng Phong, người bào chữa chính cho Hồ Duy Hải, được mời tham dự.
Trả lời BBC News Tiếng Việt qua điện thoại hôm 6/5, Hồ Thu Thủy, em gái Hồ Huy Hải cho hay cô và mẹ đã từ quê nhà ra Hà Nội trước đó một ngày. Nhưng hai mẹ con không được vào phòng xử, cũng không được đứng gần cổng tòa án.
“Hiện tôi và mẹ đang đứng cách cổng tòa vài chục mét. Có rất đông an ninh sắc phục bảo vệ quanh tòa. Các phóng viên tới tác nghiệp cũng rất khó khăn,” Thủy nói.
“Mẹ tôi đang rất căng thẳng, lo lắng không biết phiên tòa giải quyết theo hướng nào vì không được vào cũng không được xem qua màn hình.”
Hồ Thu Thủy cho hay lần gần đây nhất gia đình gặp Hồ Duy Hải là cách đây ba tháng, hôm 14/2/2020. Khi đó Hải “khỏe và tinh thần phấn chấn lên đôi chút” vì gia đình thông báo mọi người đang nỗ lực minh oan cho Hải. Gia đình cũng chưa có dịp thông báo với Hải rằng phiên giám đốc thẩm sẽ được mở vào 6/5 và cũng không biết trại giam có cho Hải biết không, Thu Thủy nói với BBC.
“Sau mỗi phiên xử, luật sư Trần Hồng Phong sẽ thông tin cho gia đình về nội dung, nhưng không gặp mặt trực tiếp trong suốt thời gian này để đảm bảo tính khách quan.”
“Hiện gia đình đã tạm gác hết mọi công việc để lo cho anh Hải.”
“Tôi mong phiên xử này thẩm phán phải xem xét thấu đáo, công tâm, nếu Hồ Duy Hải bị oan thì phải trả lại tự do cho Hồ Duy Hải. Mong người hướng về phiên tòa này để đòi lại công bằng, công lý cho Hồ Duy Hải,” Thu Thủy nói.
Phiên giám đốc thẩm khác gì với các phiên tòa khác?
Theo phân tích của tác giả Võ Văn Quản trên Luật khoa Tạp chí, Giám đốc thẩm là thủ tục tố tụng đặc biệt, nhằm xem xét lại bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.
Giám đốc thẩm không xem xét lại sự thật khách quan của vụ án. Nó chỉ xem xét xem cơ quan tiến hành tố tụng có sai sót trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử hay không.
Trước đó, trả lời phỏng vấn BBC News Tiếng Việt hôm 4/11, luật sư Trần Hồng Phong nói tình huống tốt nhất cho Hồ Duy Hải là TAND tối cao ra quyết định giám đốc thẩm theo hướng hủy án, điều tra lại như kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Sau đó trong quá trình điều tra đi đến kết luận là không đủ căn cứ buộc tội Hồ Duy Hải hoặc tìm ra một nghi can khác.
Luật sư Phong cho hay đã có sự “vi phạm” và “sai phạm” một cách cố ý của các cơ quan tiến hành tố tụng trong tất cả các giai đoạn của quá trình giải quyết vụ án.
Ông nói rằng tại cả hai phiên xét xử (sơ thẩm và phúc thẩm) Hồ Duy Hải đều kêu oan. Dựa trên hồ sơ vụ án và các bằng chứng thu thập được, luật sư Phong đánh giá rằng việc kết tội Hồ Duy Hải tính đến thời điểm hiện nay là không có căn cứ, có thể dẫn đến oan sai và bỏ lọt tội phạm.
Ông Phong nói các cơ quan tiến hành tố tụng đã bỏ qua chứng cứ ngoại phạm của Hồ Duy Hải là kết quả giám định dấu vân tay. Bên cạnh đó, dù quy kết Hải dùng dao và thớt sát hại nạn nhân, nhưng cơ quan điều tra không hề thu giữ được tang vật nào như vậy ở hiện trường mà lại cho người ra mua dao và thớt ở chợ để “minh họa” cho “hành vi phạm tội” của Hải. Ngoài ra còn rất nhiều điểm vô lý và mâu thuẫn khác, cũng như có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Luật sư Phong cho hay ông đã trực tiếp đi xác minh và gặp nhiều nhân chứng, trong đó có ông Đinh Vũ Thường là người mà cơ quan điều tra cho rằng đã nhìn thấy Hồ Duy Hải tại Bưu điện. Nhưng ông Thường khẳng định mình chỉ nhìn thấy một thanh niên và không thể nhận dạng.
Ngoài ra, toàn bộ thông tin về đối tượng Nguyễn Văn Nghị, là người yêu của nạn nhân Hồng, từng bị triệu tập sau đó được thả, đã bị rút khỏi hồ sơ vụ án, dù từng bị xem là nghi can hàng đầu, vẫn theo luật sư Lê Hồng Phong.
Còn bà Nguyễn Thị Loan, mẹ Hồ Duy Hải, từng nói với BBC rằng, từ 12 năm qua, “từ một bà mẹ thôn quê hiền lành chất phác“, bà đã trở thành một người đàn bà “dữ dằn“, “lúc nào cũng đi tới đi lui“, “bỏ bà mẹ già hơn 90 tuổi ở nhà” đề đi kêu gào công lý cho Hải.
Diễn tiến vụ án Hồ Duy Hải do Luật sư Trần Hồng Phong tóm lược.
Trong đêm ngày 13/1/2008, tại Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) đã xảy ra một vụ giết người. Nạn nhân là hai nữ nhân viên Nguyễn Thị Ánh Hồng (22 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Vân (21 tuổi) bị giết hại dã man (cắt cổ) ở khu vực cầu thang phía sau. Tại hiện trường cơ quan điều tra (CQĐT) thu được nhiều dấu vân tay của hung thủ. CQĐT đã triệu tập nhiều nghi can, trong đó có một người tên là Nguyễn Văn Nghị, là người yêu của nạn nhân Hồng. Tuy nhiên sau đó tất cả đều được thả.
Hơn 2 tháng sau, ngày 21/3/2008, Hồ Duy Hải, một thanh niên nhà cách Bưu điện Cầu Voi khoảng 2km bị bắt giữ.
Sau đó Hồ Duy Hải bị truy tố và đưa ra xét xử về hai tội “giết người” và “cướp tài sản“. Cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải về tội giết người.
Theo cáo buộc của các cơ quan tiến hành tố tụng, Hồ Duy Hải đã dùng dao và thớt có tại Bưu điện để sát hại hai cô gái. Thời gian gây án vào lúc 20h30 tối và nhân chứng Đinh Vũ Thường là người đã nhìn thấy Hồ Duy Hải có mặt tại Bưu điện lúc 19h39 (ngay trước khi gây án). Tuy nhiên tại cả hai phiên xét xử (sơ thẩm và phúc thẩm) Hồ Duy Hải đều kêu oan.
Theo các luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải, trong đó có tôi, cho rằng việc kết tội Hồ Duy Hải tính đến thời điểm hiện nay là không có căn cứ, có thể dẫn đến oan sai và bỏ lọt tội phạm (hung thủ là người khác). Cụ thể các cơ quan tiến hành tố tụng đã bỏ qua chứng cứ ngoại phạm của Hồ Duy Hải là kết quả giám định dấu vân tay (kết luận dấu vân tay tại hiện trường không trùng khớp với vân tay của Hồ Duy Hải). Trong khi điều này cho thấy chắc chắn hung thủ hoặc ít nhất tại hiện trường phải có một người khác. Mặt khác dù quy kết Hải dùng dao và thớt sát hại hai nạn nhân, nhưng khi khám nghiệm hiện trường CQĐT không hề thu giữ được tang vật nào như vậy. Mà chỉ sau khi bắt Hải thì cho người ra chợ mua dao và thớt để “minh họa” cho “hành vi phạm tội” của Hải. Ngoài ra còn rất nhiều điểm vô lý và mâu thuẫn khác, cũng như có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Sau khi bị tuyên án tử hình, trong tù Hải kêu oan, ở ngoài thì mẹ Hải là bà Nguyễn Thị Loan chạy nhờ luật sư làm đơn, kêu oan cho con mình. Trong giai đoạn này có ba luật sư chính là Nguyễn Văn Đạt (cũng là người bào chữa cho Hải tại các phiên xét xử trước đây), tôi và luật sư Trần Văn Tạo (nguyên Phó giám đốc công an TP.HCM).” Luật sư Trần Hồng Phong kể.
Luật sư Phong nói: “Bản thân tôi trong quá trình này đã trực tiếp đi xác minh và gặp nhiều nhân chứng, trong đó có anh Đinh Vũ Thường là người mà CQĐT cho rằng đã nhìn thấy Hồ Duy Hải tại Bưu điện. Anh Thường khẳng định mình chỉ nhìn thấy một thanh niên và không thể nhận dạng. Điều này chứng tỏ CQĐT đã bịa đặt ra tình tiết anh Thường nhìn thấy Hồ Duy Hải. Tôi cũng nhận thấy rất bất thường khi toàn bộ những thông tin về đối tượng Nguyễn Văn Nghị đã bị rút khỏi hồ sơ vụ án, chỉ còn đúng một chữ ‘Nghị” trong một bản cung. Trong khi đây là nhân vật từng bị xem là nghi can hàng đầu, báo chí đăng rất chi tiết khi vụ án vừa xảy ra.
Theo đó, tôi đã hỗ trợ gia đình Hồ Duy Hải lần lượt làm các đơn đề nghị giám đốc thẩm (từ năm 2011), đơn tố giác đối tượng Nguyễn Văn Nghị (từ năm 2015) và tố cáo làm sai lệch hồ sơ vụ án (từ năm 2017) gửi đến Tòa án nhân dân tối cao và VKSNDTC, đề nghị giám đốc thẩm, kêu oan cho Hồ Duy Hải. (Ghi chú: để tránh hiểu sai, ngoài tôi, còn có luật sư Nguyễn Văn Đạt cũng làm đơn đề nghị giám đốc thẩm; và có thể có luật sư nào khác nữa mà tôi không biết).
Cuối năm 2014, Hồ Duy Hải đã suýt nữa thì bị thi hành án tử hình.
Sau gần 12 năm kiên trì gửi đơn kêu oan cho con, cuối cùng ngày 22/11/2019 VKSNDTC đã có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Nội dung phân tích lý do dẫn đến kháng nghị giám đốc thẩm hầu như trùng khớp với những phân tích và kiến nghị của các luật sư.
Như vậy, vấn đề pháp lý then chốt trong vụ án này là để kết tội được Hồ Duy Hải, phía CQĐT sắp tới đây là giải quyết được những mâu thuẫn nói trên hoặc tìm ra chứng cứ mới chứng minh Hồ Duy Hải hay một ai khác là thủ phạm thật sự. Vì đây là một vụ án giết người nên phải có hung thủ.
Tôi cho rằng việc vụ án được kháng nghị giám đốc thẩm là sự tổng hợp của rất nhiều nguyên nhân: trước hết là áp lực từ cộng đồng mạng xã hội, cơ quan báo chí, gia đình Hồ Duy Hải, và các luật sư (qua đơn từ) – mong muốn một sự công bằng, tiệm cận công lý; từ các văn bản lưu ý của các tổ chức quốc tế, Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc. Có người nói với tôi rằng thậm chí có thể từ sự cạnh tranh chính trị của các quan chức cấp cao và tôi không loại trừ khả năng này. Bất luận thế nào, thì việc kháng nghị của VKSNDTC thực sự là một tin vui.” Luật sư Trần Hồng Phong nhận định.
Luật sư có thể phác họa một vài kịch bản khả dĩ có thể xẩy ra cho vụ án, từ tốt nhất đến xấu nhất? BBC đặt câu hỏi.
LS Trần Hồng Phong nói: Theo tôi, tình huống tốt nhất cho Hồ Duy Hải là TANDTC ra quyết định giám đốc thẩm theo hướng hủy án, điều tra lại như kháng nghị của VKSNDTC. Sau đó trong quá trình điều tra đi đến kết luận là không đủ căn cứ buộc tội Hồ Duy Hải hoặc tìm ra một nghi can khác. CQĐT sẽ ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với Hồ Duy Hải. Tức là Hồ Duy Hải vô tội và đã bị kết án oan. Cá nhân tôi tin tưởng đây là một khả năng cao, nhất là nếu CQĐT tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội.
Còn trường hợp xấu nhất thì nói thật là tôi không nghĩ tới và cũng không tin sẽ xảy ra. Vì tôi là người đã nghiên cứu rất sâu về hồ sơ này, nên tôi có cơ sở để tin rằng hung thủ thật sự không phải là Hồ Duy Hải, ít nhất là theo kết quả điều tra đến thời điểm hiện nay. Nếu nghĩ xấu đi, tôi đã không cố gắng kêu oan cho Hồ Duy Hải như đã từng trong nhiều năm qua.
BBC hỏi tiếp: Trong thời gian hỗ trợ pháp lý cho Hồ Duy Hải, luật sư có được tiếp xúc đầy đủ với thân chủ để bào chữa, có điều kiện cố vấn tốt nhất cho Hồ Duy Hải không?
LS Trần Hồng Phong: Thật đáng ngạc nhiên là tôi và các luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải ở giai đoạn kêu oan hiện nay đều không được gặp Hồ Duy Hải trong suốt thời gian qua. Mặc dù đã có đơn đề nghị.
Nói một cách khách quan, thì luật sư bị hạn chế rất nhiều và kém hiệu quả khi không được tiếp xúc, trao đổi với thân chủ. Mặc dù về lý thuyết theo quy định thì đây là quyền của luật sư.
Trên thực tế, các luật sư cũng không được tiếp cận đầy đủ hồ sơ vụ án. Nhiều tài liệu đã bị rút khỏi hồ sơ vụ án. Chẳng hạn như nay đọc kháng nghị của VKS tôi mới biết là Hồ Duy Hải có bản khai không nhận tội ngày 20/3/2008 ngay trước khi bị bắt. Lâu nay tôi cứ nghĩ bản khai ngày 21/3/2008 là bản khai đầu tiên của Hồ Duy Hải.
BBC: Mười hai năm là một chặng đường rất dài. Tại sao phải cần một thời gian dài như thế để giải quyết một vụ án bằng đề nghị điều tra lại từ đầy ? Điều này cho thấy gì về ngành tư pháp của Việt Nam?
LS Trần Hồng Phong: Đây là một câu hỏi mà tôi muốn chuyển cho các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan tư pháp của Việt Nam. Tôi chỉ nói ngắn gọn là việc để kéo dài quá lâu như vậy là không thể chấp nhận được và cũng vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật Việt Nam về thời gian giải quyết đơn tố giác cũng như vấn đề trách nhiệm và thực thi trách nhiệm của các cơ quan tố tụng. Vụ án Hồ Duy Hải là một điển hình về thực trạng này.
Là một luật sư đã có gần 20 năm hành nghề, tôi thật sự thấy buồn khi nói về thực trạng của ngành tư pháp Việt Nam lúc này. Nói một cách đơn giản là đã không vận hành và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Từ đó dẫn đến sự mất niềm tin của người dân vào sự công minh và khách quan của Tòa án, Viện kiểm sát, công an. Thật nguy hiểm khi sự vi phạm pháp luật của không ít cán bộ công chức tư pháp lại nhân danh pháp luật, dẫn đến những hậu quả, oan sai và ảnh hưởng đến uy tín của ngành tư pháp.” Luật sư Trần Hồng Phong đưa ra kết luận.
Thu Thủy từ TpHCM – Thoibao.de (tổng hợp)