Liên Hiệp Quốc (LHQ) khai mạc phiên họp Đại Hội Đồng lần thứ 75 vào ngày 22/09 vừa qua dưới một hình thức đặc biệt: nguyên thủ, lãnh đạo các nước không đăng đàn tại trụ sở LHQ ở New York, mà đọc diễn văn qua video. Bài phát biểu của nguyên thủ Trung Quốc, nền kinh tế số hai thế giới mà cũng là nơi khởi phát của siêu vi đã gây nên khủng hoảng y tế và kinh tế toàn cầu, đã thu hút nhiều sự quan tâm.
Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước hết đã kêu gọi hợp tác chống COVID-19 sau đó ca tụng điều được gọi là « cộng đồng chia sẻ tương lai trong đó mọi người phụ thuộc lẫn nhau ».
Không chỉ đề cao hòa bình, phát triển, ông còn nhấn mạnh đến dân chủ, tự do, công lý: “Chúng ta hãy chung tay gìn giữ, củng cố các giá trị hòa bình, phát triển, bình đẳng, công lý, dân chủ và tự do vốn được chia sẻ bởi tất cả chúng ta, nhằm xây dựng một dạng quan hệ quốc tế mới, vì một cộng đồng chia sẻ tương lai chung của nhân loại. Cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra một thế giới tốt hơn cho tất cả.”
Tiếp theo, ông tấn công vào nỗ lực của Mỹ « ngăn chặn Trung Quốc phát triển, qua các biện pháp đánh phá kinh tế nhất là kỹ thuật số ».
Nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc cũng cam kết sẽ đóng góp kinh nghiệm kiểm dịch, chẩn bệnh và điều trị, nghiên cứu nguồn gốc siêu vi corona thậm chí là chia sẻ vắc-xin, tài sản chung của nhân loại, một cách miễn phí cho các nước đang phát triển nhưng tuyệt nhiên tránh né đề cập đến trách nhiệm của Trung Quốc.
Giới truyền thông quốc tế đã vạch ra hai mâu thuẫn to lớn trong bài phát biểu của ông Tập với những hành động mà Trung Quốc thực hiện thời gian vừa qua.
« Thứ nhất, trong bài diễn văn được thu trước qua video, ông Tập Cận Bình khẳng định là không có ý đồ bành trướng, bá quyền, gây chiến tranh lạnh hay chiến tranh nóng với bất kỳ nước nào ».
Những lời lẽ mị dân của đại diện từ Trung Quốc hoàn toàn chẳng thuyết phục được ai vì nó hoàn toàn ngược lại với những gì nước này đã và đang làm bất chấp cả thời điểm cả thế giới căng mình vật lộn với đại dịch COVID-19.
Tại Biển Đông, Trung Quốc liên tục theo đuổi chủ quyền phi pháp bằng hàng loạt các động thái hung hăng, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Ngày 18/04/2020, Quốc vụ viện Trung Quốc đã ra quyết định lập hai « quận » mới trực thuộc « thành phố Tam Sa » (Sansha), đặt trụ sở tại đảo Phú Lâm (Woody Island) trên quần đảo Hoàng Sa – cưỡng chiếm của Việt Nam năm 1974. Đến đầu tháng 08, nước này tiếp tục ban hành quy định mới về hàng hải, xem các tuyến hàng hải giữa Hải Nam và Hoàng Sa là các tuyến nội địa của Trung Quốc nhằm siết chặt thêm quyền kiểm soát trên các vùng Biển Đông mà Bắc Kinh đang tranh chấp với nước khác. Cho đến thời gian gần đây, nước này tiếp tục phô trương vũ lực, tập trận và cấm tàu thuyền các nước lưu thông. Cuối tháng 08, Bắc Kinh còn cho bắn đi bốn hỏa tiễn đạn đạo để thị uy Hoa Kỳ cũng như các nước trong khu vực có cùng tranh chấp chủ quyền tại vùng biển chiến lược này.
Với Đài Loan, Trung Quốc tiếp tục đưa ra các cảnh báo, nói rằng bất kỳ sự ủng hộ nào đối với chuyện đòi độc lập cho vùng lãnh thổ này đều thất bại và dọa trả đũa Mỹ sau các chuyến thăm cấp cao tới Đài Loan. Để trả đũa chuyến thăm Đài Loan của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ trung tuần tháng 09 vừa qua, Bắc Kinh cho tập trận với quy mô chưa từng thấy. Trong thời gian nhà ngoại giao Mỹ ở thăm, không quân Trung Quốc đã hai lần vượt qua đường giới hạn ở eo biển Đài Loan mà trong hai thập kỷ từ 1999 đến 2019 vẫn được hai bên tôn trọng tuyệt đối.
Với Hồng Kông, mặc dù quy chế « một đất nước, hai chế độ » cho đặc khu hành chính này còn kéo dài cho đến năm 2047, bất chấp phản ứng gay gắt của quốc tế cũng như đại đa số người dân đặc khu, chế độ cộng sản Bắc Kinh vẫn áp đặt luật an ninh quốc gia bóp nghẹt quyền tự trị của Hồng Kông.
Tại biên giới với Ấn Độ, lần đầu tiên từ mấy thập niên qua Trung Quốc và Ấn Độ đã nổ súng khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng hôm 15/06 tại khu vực đang tranh chấp giữa hai nước trên cao nguyên dãy Himalaya.
Một mâu thuẫn nữa trong lời nói và hành động của nhà lãnh đạo Trung Quốc được giới truyền thông quốc tế bóc mẽ đó là Tập Cận Bình phát biểu rằng các liều vaccine mà Trung Quốc đang chế tạo, thử nghiệm, sẽ được ưu tiên cho các nước đang phát triển thế nhưng nước này lại từ chối tham gia vào chương trình Covax của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Kế hoạch với tên gọi tắt là COVAX (COVID-19 Vaccine Global Access – Cơ chế Tiếp cận vắc-xin COVID-19 Toàn cầu) là sáng kiến của WHO nhằm đưa vắc-xin COVID-19 đến với dân chúng các nước nghèo được 64 quốc gia thu nhập cao, và hơn 90 nước có thu nhập thấp và trung bình, tham gia.
Mặc dù là quốc gia đi đầu trong nghiên cứu và thử nghiệm vắc-xin COVID-19, song Trung Quốc không tên trong danh sách hơn 150 nước tham gia kế hoạch này mà WHO công bố hôm 21/09 vừa qua.
Trước đó, hồi tháng 05, Chủ tịch Tập Cận Bình từng cam kết sẽ phát triển vắc-xin của Trung Quốc thành sản phẩm công cộng toàn cầu.
Giới quan sát cũng nhận định diễn văn đến từ Trung Quốc không có điểm gì mới. Nhất là ý tưởng về ‘cộng đồng chia sẻ tương lai’ hay ‘chia sẻ vận mệnh chung’ đã được Trung Quốc nhai đi nhại từ nhiều năm qua không chỉ trong quan hệ song phương với các nước láng giềng hay các nước trong cùng khu vực mà trên cả diễn đàn quốc tế.
Các văn bản tiếng Trung đã nói nhiều về khái niệm ‘Nhân loại mệnh vận cộng đồng thể’ từ khá lâu trước đây.
Theo đánh giá của Richard Rigby và Brendan Taylor trong một nghiên cứu về ngoại giao Trung Quốc, phát biểu về ‘vận mệnh chung’ không đến từ miệng nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay, mà lần đầu do TBT Hồ Cẩm Đào nêu ra năm 2005.
Thậm chí có người còn cho rằng ý tưởng này đến từ viễn kiến của lãnh đạo Úc trước đó nói về nhu cầu kiến thiết ‘cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương hài hòa, ổn định’.
Công thức nêu ra sự ‘chia sẻ vận mệnh’ đã được Trung Quốc áp dụng với tất cả các láng giềng.
Vào năm 1991, ngay khi bình thường hóa quan hệ với Việt Nam ở Hội nghị Thành Đô, lãnh đạo Trung Quốc đã nói về quan hệ hai nước như sau:
“Sơn thủy tương liên,
Lý tưởng tương thông,
Văn hóa tương đồng
Vận mệnh tương quan.”
Có nghĩa là:
“Sông núi liền nhau
Lý tưởng hòa nhau
Văn hoá như nhau
Định mệnh tựa nhau”
Đầu năm 1999, Tổng bí thư Giang Trạch Dân đã đề ra và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu đã đồng ý Phương châm 16 chữ vàng “Ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện” để xác định tư tưởng chỉ đạo và khung tổng thể phát triển quan hệ hai nước trong thế kỷ mới, đánh dấu quan hệ Trung Việt đã bước vào giai đoạn phát triển mới được lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước xác định trong Tuyên bố chung, từ tháng 02/1999.
Theo một nghiên cứu của Trương Đăng An (Zhang Dengan) thì ban đầu, việc nêu ra ‘vận mệnh chung’ được Trung Quốc “đề xuất với các láng giềng nhằm hàn gắn quan hệ bị căng thẳng bởi các tranh chấp lãnh thổ“.
Năm 2018, ông Tập nói y nguyên như thế về quan hệ với Nhật Bản và các nước Đông Bắc Á, và sang thăm Matxcơva năm 2019, ông cũng nhắc lại thuyết ‘vận mệnh chung’ với Nga và rộng ra là cả nhân loại.
Chỉ sang thế kỷ 21, khái niệm nói trên “mới trở thành một phần của chiến lược lâu dài của Trung Quốc trong quan hệ quốc tế“. Học giả Trương Đăng An nhận định rằng khái niệm ‘vận mệnh chung’ được đề cao nhằm “tận dụng cơ hội hòa bình trong hai thập niên đầu của thế kỷ 21” mà Trung Quốc rất cần, để phát triển tối đa.
Tuy không phải là cha đẻ của ý tưởng ‘cộng đồng chia sẻ vận mệnh’ nhưng Tập Cận Bình đã diễn giải để mở rộng định nghĩa này.
Hồi năm 2015, nó mới chỉ có năm thành tố gồm ‘đối tác chính trị, an ninh, phát triển kinh tế, trao đổi văn hóa và bảo vệ môi trường’.
Nay, việc chia sẻ vận mệnh chung khiến nhân loại cần tập trung vào ‘toàn cầu hóa, chống biến đổi khí hậu và củng cố cải thiện quản trị toàn cầu’.
Và phát biểu của Chủ tịch Tập tại diễn đàn LHQ vừa qua được cho là lời đả phá ngấm ngầm nhằm vào khẩu hiệu ‘Hoa Kỳ trên hết’ của Tổng thống Donald Trump.
Hoàng Lan – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Trung Quốc “lồng lộn” – Đài Loan “dấn tới”
>>> Lạnh xương sống với tình trạng nhân quyền tại Việt Nam
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT