Ông Đinh Tiến Dũng bị kỷ luật liên quan Vạn Thịnh Phát và AIC

Ngày 15/6, BBC Tiếng Việt bình luận “Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng bị đề nghị kỷ luật, tiếp theo là gì?”

BBC dẫn thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, công bố vào sáng 15/6, sau kỳ họp thứ 42 diễn ra từ 12 đến 14/6, do Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú chủ trì. Theo đó, Uỷ ban này đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật ông Đinh Tiến Dũng – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, cựu Bộ trưởng Tài chính.

Cụ thể, ông Đinh Tiến Dũng cùng Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính, nhiệm kỳ 2016 – 2021, đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc. Tập thể này “thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để Bộ Tài chính và một số tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước”, có liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, An Đông và AIC.

Những vi phạm nêu trên được xác định là đã gây hậu quả nghiêm trọng, làm giảm uy tín của tổ chức Đảng và cơ quan quản lý nhà nước, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Theo BBC, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, trách nhiệm chính đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính, nhiệm kỳ 2016 – 2021, cùng các ông: Đinh Tiến Dũng – cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính; Võ Thành Hưng – Thứ trưởng; các cựu thứ trưởng: Huỳnh Quang Hải, Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Vũ Thị Mai, và một số tổ chức Đảng, đảng viên khác.

BBC cho biết, ông Đinh Tiến Dũng hiện là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Việc kỷ luật ông, tùy theo mức độ, mà sẽ do Ban Bí thư, Bộ Chính trị quyết định, hoặc đưa ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định (trường hợp cách chức, khai trừ).

BBC cũng cho biết, Đảng Cộng sản Việt Nam hiện có 4 mức kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo, cách chức và khai trừ Đảng.

Thông thường, với các hình thức khiển trách và cảnh cáo, thì người bị kỷ luật vẫn tiếp tục đảm nhiệm chức vụ. Hình thức cách chức trong Đảng thường dẫn tới hệ lụy là cách chức trong chính quyền. Hình thức khai trừ Đảng thường dẫn tới, hoặc báo hiệu, những hệ lụy nghiêm trọng hơn, chẳng hạn xử lý hình sự.

Với đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Đinh Tiến Dũng có thể sẽ phải nhận 1 trong 4 hình thức kỷ luật nói trên.

BBC nhận xét, ông Dũng có thể là Uỷ viên Bộ Chính trị thứ 7, trong khóa 13, bị kỷ luật hoặc chịu những hình thức tương tự kỷ luật (chẳng hạn cho thôi chức nhưng không công bố là kỷ luật cách chức). Các trường hợp trước ông là các ông/bà Phạm Bình Minh, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Trần Tuấn Anh, Vương Đình Huệ và Trương Thị Mai.

Vẫn theo BBC, ông Đinh Tiến Dũng, 63 tuổi, quê ở huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Ông có trình độ chuyên môn là thạc sĩ quản trị kinh doanh, cao cấp lý luận chính trị.

Ông Dũng từng có 26 năm công tác ở Tổng Công ty Xây dựng Sông Đà, Bộ Xây dựng.

Ông từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính (từ tháng 5/2013 đến tháng 4/2021), Tổng kiểm toán Nhà nước và Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình.

Ông Dũng được bầu vào Bộ Chính trị khóa 13 vào ngày 30/1/2021, là Ủy viên Trung ương Đảng khóa 11, 12 và 13 và là Đại biểu Quốc hội khóa 14 và 15.

BBC cho biết thêm, cũng trong kỳ họp 42, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật một số cán bộ, thuộc các tỉnh Bình Định, Bình Dương, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, cụ thể:

Ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch tỉnh Bình Dương;

Ông Trần Văn Cần, Chủ tịch tỉnh Long An;

Ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu;

Ông Nguyễn Đình Kim, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định.

Các quan chức này được xác định là đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước, trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các gói thầu do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái AIC thực hiện.

 

Ý Nhi – thoibao.de