Những tranh chấp ở Biển Đông giữa Việt Nam với các quốc gia Đông Nam Á

Ngày 4/11, VOA Tiếng Việt đưa tin: “Malaysia khiếu nại Việt Nam mở rộng Bãi Thuyền Chài ở Biển Đông”.

Theo đó, VOA trích dẫn hãng tin nước ngoài, cho biết, Malaysia đã gửi thư khiếu nại tới Việt Nam về cáo buộc mở rộng một đảo nhỏ ở Biển Đông, mà cả 2 nước đều tuyên bố là của mình, trong một động thái leo thang song phương hiếm hoi không liên quan đến Trung Quốc.

Động thái này làm sáng tỏ thêm một trong nhiều tranh chấp ở tuyến đường thủy chiến lược, mà phần lớn trong đó là do Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, với việc Bắc Kinh thường xuyên có xung đột với Philippines, và thỉnh thoảng xảy ra tranh chấp với Việt Nam.

VOA cho biết, các thực thể tranh chấp nhiều nhất là xung quanh quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Việt Nam, Brunei và Philippines đều có các yêu sách chủ quyền và mức độ chiếm đóng khác nhau.

Theo hãng tin nước ngoài, lá thư của Malaysia được gửi tới Bộ Ngoại giao Việt Nam vào đầu tháng 10 năm nay, nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm.

Theo hình ảnh vệ tinh do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế – một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, phân tích và công bố vào tháng trước, khiếu nại này liên quan đến cáo buộc Việt Nam mở rộng nhân tạo Bãi Thuyền Chài, một đảo nhỏ ở quần đảo Trường Sa, nơi Việt Nam đã xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng.

VOA cũng cho biết, vào cuối tháng 10, RFA Tiếng Việt đưa tin rằng, Việt Nam cũng đang xây dựng một đường băng trên đảo này.

Hãng tin nước ngoài cho biết, Bộ ngoại giao Việt Nam không trả lời yêu cầu bình luận của họ. Bộ ngoại giao Malaysia cũng không đưa ra lời bình luận.

Theo VOA, trong những năm gần đây, đã có nhiều hoạt động xây dựng đáng kể trên các đảo nhỏ ở Trường Sa, khi các quốc gia tìm cách củng cố yêu sách lãnh thổ của mình, và chứng minh rằng họ có thể duy trì sự sinh sống của con người trên hàng chục đảo nhỏ, và các thực thể này.

Hoạt động của Trung Quốc đã thu hút nhiều sự chú ý nhất, với 7 hòn đảo được xây dựng trên các bãi đá chìm, một số được trang bị đường băng, bến tàu, tháp điều khiển và hệ thống tên lửa.

VOA lưu ý rằng, mặc dù khiếu nại giữa Malaysia và Việt Nam về lãnh thổ là rất hiếm, Malaysia vẫn thường xuyên nêu ra vấn đề, về điều mà họ mà cho là sự xâm phạm của ngư dân Việt Nam vào Vùng đặc quyền kinh tế của họ, dẫn đến việc bắt giữ một số ngư dân.

Trước đó, ngày 10/6, RFA Tiếng Việt đưa tin, “Philippines đang giám sát hoạt động bồi lấp đảo của Việt Nam tại Trường Sa”.

RFA cho hay, Hải quân Philippines vào ngày 10/6 cho biết đang giám sát hoạt động nạo vét và bồi lấp đảo, mà Việt Nam tiến hành tại quần đảo Trường Sa, Biển Đông.

Theo đó, truyền thông Philippines dẫn lời của Phát ngôn nhân Roy Vincent Trinidad, chuyên về Biển Tây Philippines cho biết, Bộ Ngoại giao Manila cũng đang có hành động liên quan sự việc vừa nêu.

RFA dẫn lời ông Roy Vincent Trinidad, nói rằng, Việt Nam là nước có nhiều tuyên bố nhất tại khu vực quần đảo Trường Sa trong số những quốc gia có tranh chấp chủ quyền tại đó.

Tuy nhiên, Philippines và Việt Nam có mối quan hệ hữu hảo. Hà Nội không có những hành động phi pháp, cưỡng bức đối với Manila như Bắc Kinh. Ông này cho rằng Trung Quốc là nước gây hấn nhất đối với Philippines, trong số những nước cùng có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

Trong khi đó, phát ngôn nhân Lực lượng Tuần Duyên Philippines Jay Tarriela cũng cho rằng, phía Việt Nam không sách nhiễu ngư dân Philippines, và đưa tàu phi pháp đến quanh các đảo tiền tiêu của Philippines tại khu vực biển tranh chấp.

Ông Jay Tarriela cho rằng phía Việt Nam bắt đầu cải tạo những thực thể do họ kiểm soát, trước khi có Tuyên bố Ứng xử của các bên tại Biển Đông DOC năm 2002.

 

Hoàng Anh – thoibao.de