“Bỏ tiền, đoạt ghế” – Trung Quốc thao túng LHQ?

Thực trạng Tổ chức Y tế Thế giới thân Bắc Kinh, mà đại dịch virus Cúm Vũ Hán đã chứng tỏ, chỉ là ví dụ mới nhất cho thấy ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc. Có đến 4/15 cơ quan Liên Hiệp Quốc hiện do người Trung Quốc đứng đầu : FAO, UNIDO, ITU, ICAO. Bắc Kinh chi ra trên 200 triệu euro để giành cho được chiếc ghế ở FAO (Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc).

Đại dịch do con virus xuất phát từ Vũ Hán gây ra luôn là chủ đề bao trùm của các tuần báo Pháp. Hàng trăm triệu người thất nghiệp trên thế giới, kinh tế ngưng đọng, nhiều lãnh vực suy sụp… Đại dịch Cúm Vũ Hán làm tăng thêm bất bình đẳng, gây phẫn nộ cho những người trắng tay.
Sau hơn ba tuần phong tỏa, người Pháp tự hỏi đến bao giờ cơn ác mộng virus Cúm Vũ Hán mới kết thúc. Sau đại dịch, mọi thứ sẽ không còn như xưa… nhưng với cùng một nguyên thủ. Cuộc khủng hoảng buộc nước Pháp phải thay đổi các giá trị cũng như phương pháp hành động.

Virus Cúm Vũ Hán đang tung hoành khắp nơi, đánh bạt mọi diễn đàn thời sự quốc tế.

Tại Ý, quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất, L’Express đến với «Những người hùng ở bệnh viện Bergamo», từ nhiều tuần qua vẫn là tâm bão. Nằm cách Milano 60 km, tỉnh Bergamo đến cuối tháng Ba có đến gần 9.000 người dương tính và trên 2.000 trường hợp tử vong.
Với 900 giường bệnh trong đó có 80 giường chăm sóc đặc biệt, bãi đáp trực thăng 24/24 và 4.000 mét vuông dành cho cấp cứu, bệnh viện công hiện đại khai trương năm 2012 tưởng chừng sẽ đứng vững trước mọi cú sốc. Tuy nhiên bỗng chốc có hàng trăm bệnh nhân nhập viện, tất cả đều bị khó thở. Chỉ trong vòng một tháng, từ zéro ca đã lên đến 6.000 ca ! Bệnh viện phải cho các bệnh nhân khác chuyển viện để dành riêng cho bệnh Cúm Vũ Hán, đào tạo khẩn cấp kỹ thuật sử dụng máy trợ thở cho nhân viên y tế chăm sóc các bệnh nhân nặng.
Ở Nigeria, người dân sợ rằng sẽ chết đói trước khi bị con virus từ Vũ Hán giết chết. Từ Liban cho đến Libya, các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra bất chấp lệnh giới nghiêm, tại Mêhicô những người bán hàng rong, giúp việc nhà, người làm công nhật vẫn cố làm việc bằng mọi giá. Tại Irak, Syria, Liban mà dịch Cúm Vũ Hán từ Iran lan đến, chính quyền không dám công bố con số nạn nhân thực sự vì sợ dân chúng sẽ nổi dậy chống Teheran.
Cây bút Patrick Besson trên Le Point đặt dấu hỏi, những ngôi sao vẫn chiếm trang nhất các báo trước đây đâu cả rồi ? Các tập đoàn tội phạm Mêhicô, thảm kịch Syria luôn được nhắc đến hàng ngày từ nhiều năm qua, những chiến binh Kurdistan, khủng hoảng Venezuela rồi những đợt bắn hỏa tiễn của Bắc Triều Tiên…Tất cả đều đồng loạt biến mất trên truyền thông, nhường chỗ cho con virus siêu nhỏ từ Vũ Hán.

Tổng giám đốc WHO được nhận diện trong câu nói: «Thế giới phải biết ơn Trung Quốc»

Về địa chính trị, đại dịch Cúm Vũ Hán hiện nay chứng tỏ hiệu quả của việc Bắc Kinh sắp đặt những con cờ của mình trên trường quốc tế. Le Point phân tích «Trung Quốc đã nắm lấy quyền lực ở Liên Hiệp Quốc như thế nào».
Ngày 29/01/2020, vào lúc thế giới bắt đầu nhận ra tầm cỡ của đại dịch với mức độ sát hại khủng khiếp của con virus từ Vũ Hán, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus lại tuyên bố «Trung Quốc xứng đáng được chúng ta biết ơn và trân trọng».
Chuyên gia François Godement, cố vấn về châu Á của Viện Montaigne, Paris nhận xét: «Tổng giám đốc WHO thường xuyên bênh vực Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng này, chưa bao giờ có một lời nào chỉ trích Bắc Kinh. Ông ta không bao giờ đặt dấu hỏi về các con số mà Trung Quốc đưa ra, và một số tuyên bố của ông rõ ràng không thể chấp nhận được».
WHO tiếp tục lặp lại các lời lẽ của Bắc Kinh, rằng không có bằng chứng nào cho thấy virus lây từ người sang người, và mãi đến ngày 11/3 mới chịu tuyên bố đại dịch. Một nhà ngoại giao phương Tây thông thạo hồ sơ cho biết rõ ràng Trung Quốc đã gây áp lực do sẽ bất lợi cho mình, trong khi rất nhiều chuyên gia và tổ chức đã báo động về một thực tế khác hẳn. Vấn đề là một số nước trong đó có Pháp, dựa vào các thông cáo của WHO nên đã chậm trễ trong việc đối phó.
Tổng thống Mỹ hôm 7/4 dọa sẽ ngừng đóng góp cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), vì theo ông, WHO đã bất lực để xảy ra đại dịch Cúm Vũ Hán và quá ủng hộ Trung Quốc: « Chúng ta (Hoa Kỳ) chi trả phần lần lớn cho ngân sách của họ (Tổ Chức Y Tế Thế Giới), vậy mà họ chỉ trích tôi đã ra lệnh đóng cửa biên giới. Họ đã nhầm và họ sai lầm về nhiều thứ. Có rất nhiều thông tin mà họ đã không muốn công bố sớm hơn và họ có vẻ rất thiên vị Trung Quốc. Nhưng chúng ta sẽ theo dõi chặt chẽ hơn Tổ Chức Y Tế Thế Giới, vì họ đã thực sự sai lầm. Họ đã không cảnh báo, lẽ ra họ đã phải làm điều đó sớm hơn một tháng ».

Bắc Kinh dùng mọi thủ đoạn để nắm lấy quyền lực tại Liên Hiệp Quốc.

Ảnh 3: Thứ trưởng nông nghiệp Trung Quốc Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu) trở thành tổng giám đốc Tổ chức Lương Nông Quốc tế Liên Hiệp Quốc (FAO) với nhiệm kỳ 4 năm, phát biểu tại hội nghị ngày 22/06/2019

Thực trạng Tổ chức Y tế Thế giới thân Bắc Kinh chỉ là ví dụ mới nhất cho ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc. Có đến 4/15 cơ quan Liên Hiệp Quốc do người Trung Quốc đứng đầu : Tổ chức Lương Nông Quốc tế (FAO), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO), Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO). Một nhà ngoại giao Pháp cảnh báo : « Trung Quốc đang nắm lấy quyền lực tại Liên Hiệp Quốc. Xu hướng này càng mạnh hơn khi Hoa Kỳ của Donald Trump đang muốn rút lui ».
Cựu đại diện Pháp tại Liên Hiệp Quốc, Michel Duclos nhận xét, vào đầu những năm 2000 Trung Quốc chừng mực hơn. Tại Hội Đồng Bảo An, họ đứng phía sau Nga và chỉ lên tiếng khi nào lợi ích trực tiếp như Tây Tạng, Đài Loan bị đe dọa. Nhưng dần dần Bắc Kinh nhận ra nên đầu tư vào những chức vụ chủ chốt ở Liên Hiệp Quốc.
Biểu tượng rõ nhất là thắng lợi gây ngạc nhiên của ứng cử viên Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu) của Trung Quốc cho chức tổng giám đốc FAO, tháng 6/2019. Thứ trưởng Nông nghiệp Trung Quốc vượt qua ứng cử viên người Pháp Catherine Geslain-Lanéelle của châu Âu và Davit Kirvalidze (Gruzia, được Hoa Kỳ ủng hộ). Đại sứ Pháp tại Trung Quốc lúc đó tố cáo : « Tất cả mọi người đều biết nhờ đâu người của Trung Quốc được bầu, mặc dù thua kém ứng viên Pháp về mọi mặt ».
Bốn tháng trước đó, Bắc Kinh không ngần ngại xóa món nợ 78 triệu đô la cho Cameroun để ứng viên Médi Moungui của nước này rút lui. Richard Gowan, thuộc International Crisis Group cho biết : « Bắc Kinh gây áp lực trực tiếp với các nước châu Phi vốn ở thế yếu ». Tổng cộng, Trung Quốc đã chi ra trên 200 triệu euro để giành cho được chiếc ghế ở FAO.
Trước đó năm 2015, Bắc Kinh cấp 2 tỉ đô la trong 10 năm cho quỹ vì hòa bình và phát triển. Động thái vừa giúp đánh bóng hình ảnh Trung Quốc vừa gây ảnh hưởng lên tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, hướng về các lợi ích của Bắc Kinh. Chủ nghĩa đa phương phiên bản Trung Quốc chỉ nhằm thống trị, « trên thực tế, đó là song phương được nhân lên nhiều lần » – theo Jean-Maurice Ripert, cựu đại diện Pháp tại Liên Hiệp Quốc cuối những năm 2000.

Âm mưu của Bắc kinh: Vô hiệu hóa các tổ chức quốc tế

Đối với Bắc Kinh, Liên Hiệp Quốc chỉ là phương tiện. Trung Quốc cũng không ngần ngại đưa ra những sáng kiến cạnh tranh như nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, Con đường tơ lụa mới…Những dự án « quốc tế » mà Bắc Kinh là trung tâm, nhằm vô hiệu hóa Liên Hiệp Quốc một cách có phương pháp.
Các cán bộ Trung Quốc làm áp lực tại các ủy ban trực thuộc trong bất kỳ văn bản nào để đưa vào các quan điểm của đảng. Các từ ngữ của Tập Cận Bình « đôi bên cùng có lợi », « cộng đồng nhân loại cùng chung vận mệnh» xuất hiện nhan nhản trong nghị quyết về Afghanistan, về giải trừ vũ khí trên không gian hay phát triển kinh tế xã hội ở châu Phi.
Không chỉ lạm dụng quyền phủ quyết, Bắc Kinh còn lập ra những liên minh nhằm ngăn chận những nghị quyết mình không ưa. Để phản đối việc mở rộng Hội Đồng Bảo An, có thể có lợi cho đối thủ Nhật Bản, Trung Quốc thẳng thừng đe dọa Jamaica, do đại diện nước này phụ trách việc chuẩn bị cải cách. Richard Gowan cho biết người của Trung Quốc đến thẳng Kingston (thủ đô Jamaica) dọa sẽ trừng phạt kinh tế nếu không rút lui.
Một lãnh vực được Bắc Kinh đặc biệt chú ý là nhân quyền, họ muốn vào Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc để bảo đảm vô hiệu hóa cơ quan này. Từ khi Hoa Kỳ rút ra năm 2018, Bắc Kinh tha hồ làm mưa làm gió, đứng đầu một khối các nước độc tài (Cuba, Iran, Venezuela, Syria…). Nếu không đủ số phiếu để chặn một văn bản, họ dùng thủ đoạn để ngăn các nhà ly khai phát biểu.
Quay lại với WHO – dưới sức ép của Bắc Kinh đã buộc Đài Bắc phải đứng ngoài – nếu tổ chức này chịu nghe lời cảnh báo từ ba tuần trước đó của Đài Loan về nguy cơ virus Cúm Vũ Hán lây từ người sang người, thì đại dịch đã có thể ngăn chận được ngay từ đầu. Nay Trung Quốc dùng mọi cách để chối bỏ trách nhiệm, « gắp lửa bỏ tay người ».

Nhà văn đạt giải Nobel văn chương 2010 nhận định: Đại dịch sẽ không gây hậu quả lớn nếu không xuất phát từ Trung Quốc.

Giải Nobel văn chương người Pêru, Mario Vargas Llosa viết trên nhật báo tiếng Tây Ban Nha El Pais – nhấn mạnh rằng con virus Cúm Vũ Hán xuất xứ từ Trung Quốc – ngay sau đó tất cả các tác phẩm của ông đều biến mất trên các trang web thương mại ở Hoa lục, không còn vết tích!
Trả lời phỏng vấn tuần báo Le Point, nhà văn nhận định « Virus Cúm Vũ Hán làm hài lòng tất cả những kẻ thù của tự do ». Theo nhà văn, đại dịch là cái cớ lý tưởng để các Nhà nước độc tài hạn chế quyền tự do của người dân. Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì đã đàn áp các bác sĩ cảnh báo, làm chậm trễ nhiều tuần lễ khiến nạn dịch hoành hành, gây thảm họa cho toàn thế giới. Thật phi lý nếu coi Trung Quốc là hình mẫu, vì chỉ là một chế độ độc tài có mở cửa về kinh tế.
Còn trên L’Express, Mario Vargas Llosa cho rằng « Sự mọi rợ nguyên thủy luôn sẵn sàng tái sinh dưới lớp áo con người hiện đại ». Tuy vậy hậu quả từ đại dịch sẽ bớt nặng nề hơn nếu không xuất phát từ Trung Quốc. Cũng như thảm họa Tchernobyl, đến nay vẫn không thể nào biết được những gì đã thực sự diễn ra vào ngày 26/04/1986 tại Ukraina thuộc Liên Xô cũ, vì ngay cả những tài liệu trình lên cấp cao cũng giả tạo. Trong một đất nước tự do với nền báo chí đa dạng, sẽ không bao giờ có sự mù mờ này.
Nhà văn thấy rằng một trong những mặt tích cực của virus Cúm Vũ Hán là khiến người dân các nước dân chủ nhận ra giá trị của nhân quyền, các quyền tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận…được thụ hưởng lâu nay.

Các bác sĩ Cuba đi cứu trợ nhân đạo trong dịch Cúm Vũ Hán trở thành hình ảnh “nô lệ thời hiện đại

Ảnh 6: Các y bác sĩ Cuba trước khi lên đường đến Ý. Hãng Reuters ngày 22.3 đưa tin Cuba cử 52 bác sĩ, y tá đến Ý nhằm giúp đối phó với dịch Cúm Vũ hán theo đề nghị giúp đỡ từ vùng Lombardy

Từ châu Mỹ la-tinh, các nhân viên y tế Cuba đến hỗ trợ các nước đang quá tải vì dịch Cúm Vũ Hán. Nhưng theo L’Express, hậu trường của sự kiện này chẳng có gì đáng ca ngợi.
Từ ngày 22/3, Cuba gởi 37 bác sĩ và 15 y tá đến làm việc tại vùng Lombardia của Ý, và gần đây Paris cũng đã chấp nhận để các bác sĩ Cuba tăng cường cho bốn đảo thuộc lãnh thổ hải ngoại của Pháp. Đây là một thắng lợi ngoại giao của La Habana.
Tuy nhiên theo đơn kiện của Prisoners Defenders có trụ sở tại Madrid, thế nhưng khi vừa đến nước ngoài thì trưởng phái đoàn thu lại hộ chiếu của các bác sĩ, lương của họ bị chính phủ giữ lại 90%. Họ không được mang theo gia đình, không được mang theo bằng cấp bác sĩ trong hành lý, và những ai «đào ngũ» có thể lãnh án từ 3 đến 8 năm tù.
Một kiểu hành xử điển hình kiểu Cộng sản không khác gì Bắc Hàn, Trung quốc hay Việt nam. Những di tích quái dị còn sót lại của thế giới.

Vì sao Mỹ thiệt hại nặng nhưng ông Trump lại được thêm tín nhiệm ?

Nhìn sang nước Mỹ, L’Obs ghi nhận một nghịch lý, tỉ lệ tín nhiệm của Donald Trump vẫn lên cao tuy lâu nay tổng thống không coi nạn dịch virus Cúm Vũ Hán là nghiêm trọng, làm ngơ trước những cảnh báo.
Bảy ngày trước khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức vào tháng Giêng 2017, ê-kíp Nhà Trắng của Obama đã có báo cáo về « kịch bản ác mộng » của một đại dịch. Đến năm 2019, kịch bản « Crimson Contagion » dự báo nếu đại dịch xảy ra, từ 54.000 đến nửa triệu người Mỹ có thể thiệt mạng, và khiến nền kinh tế bị thiệt hai từ 413 đến 3.790 tỉ đô la.

Tuy nhiên đội ngũ Nhà Trắng bị thay đổi thường xuyên, và người chịu trách nhiệm về nguy cơ dịch tễ đã rời bỏ công việc trong chính quyền Trump. Bản thân ông Trump cũng không quan tâm đến những báo cáo loại này. Đến ngày 31/01/2020, khi quyết định đóng cửa biên giới với những người từ Trung Quốc đến nhưng không phải là công dân Mỹ, thì đã quá muộn : trước đó một tháng, 300.000 người từ Trung Quốc đã nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Hậu quả tai hại nay đã rõ, nhưng vì sao tỉ lệ tín nhiệm của ông Trump đã không bị sụt giảm mà còn tăng lên 4 điểm ?
Theo giáo sư Dan Wood, đối với tổng thống « không giống ai » này « một bộ phận cử tri yêu mến ông, một bộ phận khác ghét cay ghét đắng, và ai cũng khư khư ý kiến. Chỉ có một số rất nhỏ người trung dung, và như vậy không nên chờ đợi những thay đổi lớn trong các cuộc thăm dò ».

Tại Việt Nam, nơi vẫn đang nằm dưới sự cai trị độc tài của Đảng Cộng sản. Trung Quốc rất khôn khéo và không loại trừ đã mua chuộc thành công được nhiều cán bộ cấp cao của Trung ương Đảng tại Ba Đình làm gián điệp cho Bắc Kinh.
Ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký nhiều hiệp định hợp tác với Đảng cộng sản Trung Quốc, điều nguy hiểm nhất là trong đó có các điều khoản trao đổi cán bộ cấp cao của Việt Nam, đưa sang tập huấn ở Bắc Kinh – đây chính là nguồn nhân sự Trung Quốc tiếp tục gây ảnh hưởng, mua chuộc để chuẩn bị cho lực lượng kế cận của họ ở những vị trí cao hơn, được đề cử tại những khóa Đại hội đảng tiếp theo.
Chúng ta sẽ không quên tiết lộ của Tướng Trương Giang Long trước khi ông bị đẩy về hưu sớm, đó là “Trung Quốc không bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính chủ quyền của chúng ta ở Biển đông“.

Hải Yến từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

https://youtu.be/MRvz9qfUtUY
“Trung Quốc không bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính chủ quyền của chúng ta ở Biển đông!“