‘Ngoại giao chiến lang’ được Trung Quốc thúc đẩy một vài năm trở lại đây và đặc biệt trong đại dịch COVID-19 nó đã trở thành phương hướng đối ngoại chính của Trung Quốc. ‘Chiến lang’ dùng để chỉ thế hệ các nhà ngoại giao mới của Trung Quốc với những hành vi khiêu khích cùng thái độ không kiêng dè, hoặc thậm chí có thiên hướng hung hăng, trong các phát ngôn bảo vệ hình ảnh Trung Quốc với giới phương Tây trên truyền thông và mạng xã hội. Từ ‘chiến lang’ lấy tên từ hai bộ phim hành động rất ăn khách của nước này là Chiến Lang I và Chiến Lang II lần lượt ra mắt năm 2015 và 2017 nhằm quảng bá chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc.
Từ khi dịch bệnh lan tràn trên thế giới, không một tuần lễ nào mà người ta không thấy một nhà ngoại giao Trung Quốc gây tai tiếng trên mạng hay trên các phương tiện truyền thông.
Nổi tiếng nhất trong số này là Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tháng Ba vừa qua đã thản nhiên phát tán thuyết âm mưu cho rằng virus corona xuất xứ từ Mỹ chứ không phải là từ Trung Quốc.
Một nhân vật cũng tai tiếng không kém là Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lô Sa Dã đã bị Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian triệu mời để phản đối về một bài viết nặc danh – nhưng được cho là của chính viên đại sứ – đăng trên trang web của Sứ quán Trung Quốc tại Paris, có chứa nội dung nhục mạ chính quyền và chính giới Pháp.
Vị đại sứ này đã có nhiều “tiền án” trong việc chỉ trích nước Pháp, đã từng một lần bị triệu mời lên để nghe phản đối, nhưng Bộ Ngoại giao Pháp đã giữ bí mật vụ việc để khỏi làm Bắc Kinh mất mặt.
Trước khi nhận nhiệm sở tại Pháp vị đại sứ Trung Quốc này cũng đã từng có những lời lẽ khiếm nhã đối với chính quyền Canada nơi ông từng làm đại sứ, hay trước đó là tại châu Phi.
Điều đáng nói là trước hành vi không ngoại giao chút nào của vị đại sứ của mình, chính quyền Bắc Kinh chỉ nói đến “một sự hiểu lầm”, trong lúc bài viết nhục mạ nước Pháp không hề bị gỡ bỏ khỏi trang web của sứ quán Trung Quốc tại Paris.
Không dừng lại ở đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp, ngày 30/4 vừa qua, đã post một video hoạt hình được đặt tên “Once Upon a Virus” lên account Twitter của họ.
Video có hình nhân Nữ thần Tự do đại diện nước Mỹ, đối đáp với hình nhân đại diện Trung Quốc. Khi Trung Quốc cảnh báo “phát hiện một loại virus mới”, “Nữ thần Tự do” trả lời: “Rồi sao?”. Phía Mỹ còn cười nhạo, gọi bệnh viện dã chiến của Trung Quốc là “trại tập trung”, rằng biện pháp khóa cửa của Trung Quốc là “man rợ” và “vi phạm nhân quyền”. Khi Trung Quốc cho biết virus lây truyền qua không khí, Mỹ nói rằng “nó sẽ biến mất một cách ma thuật vào tháng 4”. Rõ ràng Trung Quốc đang nhắm trực tiếp vào Tổng thống Mỹ.
Video còn cho thấy cảnh Mỹ “chẳng làm gì trong suốt ba tháng” mà chỉ có việc cắt tài trợ WHO…
Nhà báo Mạnh Kim nhận định : Khó có thể tưởng tượng một cơ quan ngoại giao như Đại sứ Trung Quốc lại chơi trò bẩn và rẻ tiền như vậy. Hành vi này, dù nhằm thẳng vào Tổng thống Mỹ, nhưng thật ra là bỉ bôi cả hệ thống chính trị Mỹ, Quốc hội Mỹ, hệ thống y tế Mỹ, người dân Mỹ, khi mà nước Mỹ đang chứng kiến tình trạng tử vong không hề có dấu hiệu dừng. Sự hả hê trước bi kịch và bi thảm của một quốc gia khác cho thấy Trung Quốc hèn hạ và thấp kém như thế nào.
Điều này khiến nhớ lại hồi sự kiện 11/9, Trung Quốc cũng từng thể hiện sự “hoan hỉ” một cách bệnh hoạn. Lần này, mức độ “bệnh hoạn” và sự tồi tệ Trung Quốc là gấp nhiều lần. Nó cho thấy Trung Quốc vẫn chưa bao giờ trưởng thành và đủ xứng đáng vị trí nước lớn. Nó cho thấy tâm địa độc ác cũng như cho thấy chế độ này vẫn chưa thoát khỏi sự man rợ. Trung Quốc đang dạy cho dân chúng họ rằng chỉ cần sự mất dạy là đủ và phải luôn mất dạy trong các mối quan hệ quốc tế…
Và nhà báo đã khẳng định sự vô văn hóa của Trung Quốc là không giới hạn.
Kỷ lục đáng xấu hổ của nền ngoại giao chiến lang có lẽ thuộc về Quế Tòng Hữu (Gui Congyou), Đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển, đã bị triệu mời lên Bộ Ngoại giao nước Bắc Âu 40 lần trong hai năm mà vẫn tại chức và tiếp tục nhục mạ chính quyền sở tại.
Đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển Quế Tòng Hữu (Gui Congyou) là một minh chứng rõ ràng về “thái độ bắt nạt” của Bắc Kinh đối với Stockholm. Hồi đầu năm nay, ông Quế mỉa mai giới truyền thông Thụy Điển đưa tin về Trung Quốc tựa như một võ sĩ hạng nhẹ khiêu khích một đối thủ nặng ký – Bắc Kinh.
Ông đại sứ nói với hãng tin SVT: “(Truyền thông Thụy Điển) tựa như một võ sĩ hạng nhẹ 48 kg gây hấn với một võ sĩ hạng nặng 86 kg, người hết lòng và thiện chí khuyên anh ta (võ sĩ hạng nhẹ) hãy tự lo cho bản thân”. Bộ Ngoại giao Thụy Điển lập tức triệu tập Đại sứ Trung Quốc để bày tỏ sự bất bình về việc ông này cố gắng đe dọa giới truyền thông Thụy Điển.
Trước đó, ông Quế không ít lần đưa ra những phát ngôn mang tính chất hăm dọa ở Thụy Điển. Theo Axios, ông ta từng tuyên bố trên một đài phát thanh của Thụy Điển vào tháng 11/2019 rằng: “Chúng tôi thiết đãi bạn bè bằng rượu ngon, còn với kẻ thù thì chúng tôi có súng ống”.
Báo Axios bình luận: “Đảng Cộng sản Trung Quốc tung hô sự trỗi dậy của Trung Quốc như thể một cường quốc hiền lành, tử tế, tôn trọng các nước. Nhưng cho đến nay, cách đối xử của họ đối với các quốc gia nhỏ hơn không có gì đáng thuyết phục.”
Một loạt các sự cố ngoại giao gần đây đã làm lung lay mối quan hệ ngoại giao giữa Thụy Điển và Trung Quốc. Theo bình luận của báo Axios, điều này là hậu quả của “hành vi bắt nạt” mà Bắc Kinh áp dụng đối với quốc gia Bắc Âu này.
Trong bài báo ngày 29/4, Axios viết: “Hành vi bắt nạt của Bắc Kinh là một ví dụ cho thấy cách Trung Quốc đối xử với các quốc gia kém quyền lực hơn khi những nước này từ chối tuân theo yêu cầu của họ”.
Tờ báo cho biết: “Tình trạng mất lòng tin đã khiến Thụy Điển đóng cửa các hoạt động trao đổi văn hóa và các thỏa thuận lâu dài khác” với Trung Quốc.
Gothenburg, thành phố lớn thứ hai ở Thụy Điển, đã hủy bỏ mối quan hệ “thành phố hữu nghị” với Thượng Hải, một thỏa thuận được ký kết 34 năm trước. Một số thành phố khác, bao gồm Västerås, Luleå và Linköping, cũng đã chấm dứt mối quan hệ với các thành phố Trung Quốc.
Thụy Điển cũng đã đóng cửa tất cả các Viện Khổng Tử, một chương trình do Chính phủ Trung Quốc tài trợ với vẻ bề ngoài là dạy tiếng Hoa và giao lưu văn hóa, nhưng bị nghi ngờ là công cụ gián điệp của Bắc Kinh và kiểm duyệt các chủ đề mà Đảng Cộng sản Trung Quốc coi là nhạy cảm.
Trang tin Guancha của Trung Quốc ngày 24/4 dẫn tin của báo Anh The Times ngày 21/4, cho biết Thụy Điển đã đóng cửa Viện Khổng Tử cuối cùng và trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên đóng cửa hoàn toàn mọi Viện Khổng Tử.
Viện Khổng Tử (tiếng Anh: Confucius Institute) được sáng lập năm 2004 và là một tổ chức được thành lập bởi Văn phòng quốc gia Trung Quốc lãnh đạo quảng bá ngôn ngữ Trung Quốc trên khắp thế giới (gọi tắt là Hán Biện) để quảng bá ngôn ngữ Trung Quốc.
Năm 2005, Trung Quốc đã đặt Viện Khổng Tử đầu tiên tại Đại học Stockholm ở Thụy Điển và là Viện Khổng Tử đầu tiên ở Châu Âu. Học viện này đã đóng cửa vào năm 2015.
Không dừng lại ở đó, truyền thông Nga ngày 1/5 tiết lộ Thụy Điển đang hợp tác với Mỹ để triển khai chiến dịch chống Trung Quốc, kêu gọi điều tra Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung Quốc sau khi dịch bệnh kết thúc và hy vọng rằng EU sẽ khởi xướng quá trình này.
Theo hãng thông tấn Sputnik Nga ngày 1/5, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Ann Linde đã bày tỏ sự không hài lòng với công việc của WHO tại cuộc hội thảo trực tuyến do Atlantic Council (Hội đồng Đại Tây Dương) của Mỹ tổ chức, đề xuất tiến hành một cuộc điều tra về các hoạt động của WHO ngay sau khi dịch bệnh kết thúc và chỉ ra tầm quan trọng của việc Châu Âu và Mỹ phối hợp cùng nhau chống lại xu hướng của “chính quyền và chính phủ chuyên chế” (ám chỉ Trung Quốc) sử dụng dịch bệnh cho mục đích riêng của họ.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Y tế và Xã hội Thụy Điển Lena Hallengren đã đệ trình lên quốc hội bản báo cáo theo tinh thần của Ann Linde, nêu rõ Thụy Điển có kế hoạch đề nghị EU điều tra về nguồn gốc của virus Corona mới.
Trung tuần tháng 4, ít nhất 7 Đại sứ Trung Quốc tại nước ngoài đã bị chính quyền nước sở tại triệu tập vào tuần trước để giải trình các lùm xùm trong nhiều vấn đề.
Ít nhất bảy Đại sứ Trung Quốc tại Pháp, Kazakhstan, Nigeria, Kenya, Uganda, Ghana và Liên minh châu Phi (AU), đã bị chính quyền sở tại triệu tập để giải trình những cáo buộc từ việc truyền bá tin đồn và những thông tin sai lệch, cho đến việc phân biệt đối xử với người châu Phi ở thành phố Quảng Châu, Trung Quốc.
Bất đồng đang dần gia tăng khi một số nước như Đức, Pháp, Anh, Úc và Canada, Mỹ đòi hỏi Trung Quốc minh bạch hơn về cáo buộc “che đậy thông tin” và những phản ứng thiếu chính xác trong giai đoạn ban đầu của dịch COVID-19.
Trước đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Berlin đã công khai tỏ thái độ bất bình khi tờ báo Bild của Đức đòi bồi thường hơn 160 tỷ USD với lý do Trung Quốc đã không thể giữ được virus trong phạm vi nước mình.
Các cơ quan ngoại giao của Trung Quốc tại Úc và Canada chỉ trích chính trị gia và phương tiện truyền thông địa phương thiên vị Mỹ, bởi các nước này đưa ra những yêu cầu tương tự Washington.
Các nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc ở Anh, Hà Lan, Nhật Bản, Singapore và Peru gây sự chú ý khi công kích truyền thông, các quan chức hay các học giả mà họ cho rằng đang đứng về phe chỉ trích cách xử lý của Bắc Kinh trong khủng hoảng y tế lần này.
Về đối nội, Đảng Cộng sản Trung Quốc lừa gạt dân chúng bằng những thông tin sai lệch, kiểm soát dư luận, bịa đặt “thể chế ưu việt’ của chế độ chuyên chế.
Về đối ngoại, Đảng Cộng sản Trung Quốc huy động các quan chức ngoại giao « chiến lang » tăng cường chiến lược tuyên truyền, cố gắng vận động cộng đồng quốc tế ca ngợi công khai các biện pháp chống dịch của Đảng Cộng sản Trung Quốc đồng thời chỉ trích phương pháp chống dịch của các nước sở tại.
Việc hóa thân thành ‘chiến lang’ trở nên thời thượng và dễ mang lại lợi ích nghề nghiệp đối với các nhà ngoại giao Trung Quốc bất chấp hình ảnh quốc tế của đất nước bị phá hủy một cách nghiêm trọng.
Một thế hệ “chiến lang” Trung Quốc đang hành xử ngược lại với tinh thần chung của thông lệ mà các nhà ngoại giao cần lưu ý khi hoạt động ở nước ngoài chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc đánh mất lòng tin, uy tín với các nước sở tại và vị thế trên trường quốc tế.
Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)