Vì sao tang lễ một nhà lãnh đạo ý thức hệ giáo điều của Việt Nam lại quan trọng đối với các nước?

Ngày 26/7, RFA Tiếng Việt có bài: ‘“Ngoại giao đám tang” xoay quanh sự ra đi của ông Nguyễn Phú Trọng”.

Theo đó, khi Tổng Trọng qua đời, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… đã cử chính khách cấp cao đến viếng. Mặc dù chuyến thăm của ông Blinken – Ngoại trưởng Hoa Kỳ, nằm trong khuôn khổ chuyến thăm nhiều nước Đông Nam Á, và cuối cùng ông đã phải hoãn chuyến đi vì vấn đề Trung Đông, nhưng ông vẫn đến Việt Nam để thăm hỏi gia đình ông Trọng.

RFA đặt câu hỏi: Tại sao có quá nhiều nước cử lãnh đạo đến viếng tang lễ một nhà lãnh đạo ý thức hệ giáo điều như ông Trọng?

RFA dẫn lời Giáo sư Nguyễn Văn Chữ, từ Mỹ, cho rằng:

“Về vấn đề ngoại giao, tôi nghĩ, có sự cộng hưởng, ảnh hưởng của các bên. Ví dụ, Mỹ cử ông Blinken đến Việt Nam, thì Trung Quốc không thể gửi một người không danh tiếng tới đó, mà cũng phải làm tương tự. Cái này giống như “lý thuyết trò chơi” trong chính trị. Người này đoán người kia làm gì rồi chuẩn bị một cách làm để đáp lại. Mỹ gửi ông Blinken đi mà Trung Quốc cử ông thấp hơn thì cũng kỳ.” 

RFA cũng dẫn nhận xét của luật sư Vũ Đức Khanh, từ Canada, cho biết, Hoa Kỳ đã bày tỏ lời chia buồn đến Việt Nam sớm nhất.

Chỉ một giờ sau khi Việt Nam thông báo ông Trọng từ trần, Đại sứ Mỹ đã có lời chia buồn với Việt Nam, và chưa đầy 24 tiếng sau, Tổng thống Biden đã gửi lời chia buồn đến Việt Nam. Tất cả những động thái này đều đi trước Trung Quốc.

Khoảng 16 giờ chiều ngày 20/7 theo giờ Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình đã đến Đại sứ quán Việt Nam ở Trung Quốc viếng ông Trọng. Theo luật sư Khanh, đây là một động thái hiếm hoi, vì Việt Nam lúc đó chưa phát tang, và chưa có thông báo tổ chức lễ viếng.

Vì vậy, luật sư Khanh cho rằng, có lẽ, Việt Nam muốn dùng đám tang ông Trọng để tăng cường vị thế địa chính trị, địa kinh tế và an ninh. Ông gọi đó là “ngoại giao đám tang”.

RFA cho hay, không chỉ về mặt đối ngoại, đám tang ông Trọng cũng có ý nghĩa chính trị về đối nội. Lễ Quốc tang của ông Trọng báo hiệu sự chấm dứt của một nhà lãnh đạo cũ, và sự bắt đầu của một nhà lãnh đạo mới. Hầu hết các nhà quan sát đều cho rằng, kỷ nguyên mới là của ông Tô Lâm.

RFA dẫn lời Giáo sư Zachary Abuza, từ Mỹ, cho biết, Hà Nội chắc chắn đang cố gắng phát huy các thông điệp chia buồn quốc tế, để hợp pháp hóa chế độ, tăng cường tính chính danh của chế độ.

RFA cũng cho hay, ông Trọng từ trần ngày 19/7, tuy nhiên, Việt Nam đã dời ngày phát tang 1 tuần sau khi ông Trọng qua đời, vào 2 ngày 25 và 26/7.

Không rõ có phải là ngẫu nhiên hay không, vì ngày 26/7 cũng là hạn chót, Hoa Kỳ công bố kết quả thẩm tra Việt Nam có “kinh tế thị trường” hay không. Sau khi Việt Nam công bố ngày an táng vị cựu Tổng Bí thư, Hoa Kỳ đã quyết định dời ngày công bố kết quả thẩm tra nói trên sang đầu tháng 8.

Luật sư Vũ Đức Khanh đặt câu hỏi, liệu ông Blinken đến Hà Nội để làm gì, vì nếu Mỹ tuyên bố từ chối công nhận Việt Nam có “kinh tế thị trường”, vào đúng ngày an táng ông Trọng, thì đó có phải là một gáo nước lạnh tạt trước quan tài của ông Trọng hay không?

Do đó, các bên sẽ có những cách ứng xử tế nhị, phù hợp với tình huống.

Giáo sư Nguyễn Văn Chữ cho rằng, thông tin Mỹ dời ngày công bố kết quả thẩm định Việt Nam sang đầu tháng 8, khoảng sau 1 tuần, cho thấy, có khả năng họ sẽ từ chối cấp quy chế này cho Việt Nam.

Giáo sư Chữ chỉ ra nhiều lý do để nhiều nước trên thế giới cử chính khách cấp cao đến viếng ông Trọng. Thứ nhất, cái đó nằm trong chính sách chung của Hoa Kỳ và châu Âu, là xoay trục về châu Á. Việt Nam nằm ở vị trí quan trọng ở Đông Nam Á. Thứ hai, Việt Nam có một vị thế quan trọng trong ngắn hạn. Thế giới tìm cách rời khỏi Trung Quốc và cần có thay thế. Mặt khác, Âu Mỹ lại cũng không muốn Việt Nam ngả hẳn về phía Trung Quốc.

 

Xuân Hưng – thoibao.de