Nhật ký Vũ Hán của nhà văn Phương Phương

“Nhật ký Vũ Hán”, hay “Nhật ký phong thành” của nhà văn Phương Phương (bản tiếng Anh và Đức)

Tác giả Phương Phương bị ném đá “dữ dội” trên mạng Weibo: “Nhật ký Vũ Hán là lưỡi dao trao cho ngoại nhân và là một viên đạn bắn vào người Trung Hoa”, nhưng cũng có nhiều người gọi bà là người trung thực, dũng cảm, dám đứng lên vạch trần sự thật bị chính quyền che giấu.

Phương Phương (Fang Fang) – một nữ văn sĩ ở Vũ Hán, Trung Quốc, người đã viết nhật ký những suy nghĩ và cảm xúc trong những ngày thành phố bị phong tỏa vì dịch Covid-19, gọi chung là “Nhật ký Vũ Hán”, hay “Nhật ký phong thành”, thu hút rất nhiều người đọc cả trong và ngoài Trung Quốc – đã trở thành “đối tượng” phê phán nặng nề sau khi có tin cuốn nhật ký dài 208 trang được HarperCollins đồng ý cho xuất bản vào tháng 6 tới đây bằng tiếng Anh và tiếng Đức.

Tuy không phải là một nhà văn nổi tiếng nhất ở Trung Quốc, nhưng bà Phương Phương (Fang Fang), tên thật là Uông Phương (Wang Fang) , sinh năm 1955, là một cây bút được người đọc mến mộ, do bà có nhiều tác phẩm miêu tả sinh động cuộc sống của người dân nghèo của thành phố Hoàng Hạc Lâu, từ những công nhân đô thị đổ mồ hôi trong các xưởng máy tới cuộc sống tù hãm về tinh thần của người trí thức trung lưu. Bà là một trong những nhà văn thuộc trào lưu “tân hiện thực”, ra đời sau khi Trung Quốc mở cửa kinh tế và nới lỏng kiểm soát xã hội dưới thời Đặng Tiểu Bình. Bà đã nhận được một vài giải thưởng văn nghệ, kể cả Giải Văn chương Lỗ Tấn có uy tín nhất Trung Quốc năm 2010, và tới gần đây bà còn đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch Hội Nhà văn tỉnh Hồ Bắc.

Nhưng bà Phương Phương chỉ thật sự được biết tới nhiều từ khi những ghi chép của bà về thành phố Vũ Hán bị phong tỏa được đăng tải trên mạng xã hội và trên tạp chí Caixin từ cuối tháng 01 đến cuối tháng 02-2020 , qua đó người bên ngoài biết được phần nào sự thật về cuộc sống của người dân trong thành phố bị phong tỏa. Hàng triệu người trong và ngoài Trung Quốc đã đọc, chia sẻ và bình luận các bài viết của bà, gọi chung là “Nhật ký Vũ Hán”, hay “Nhật ký phong thành”.

Nhật ký của bà ghi lại những nỗi thống khổ không thể tả hết của người dân Vũ Hán trong hoàn cảnh vừa bị dịch bệnh hoành hành vừa bị giam hãm trong cô đơn, tù túng.

Đêm ngày 07-02, bác sĩ Lý Văn Lượng – người sớm cảnh báo về thảm họa và bị chính quyền trù dập – qua đời vì virus Vũ Hán thì ngày hôm sau trang nhật ký đầu tiên của bà Phương Phương xuất hiện trên mạng WeChat trước khi bị kiểm duyệt xóa bỏ chỉ vài giờ sau đó. Bài viết của bà (trên mạng) đã được chia sẻ rộng rãi trên hệ thống truyền thông xã hội và càng về cuối thì cuộc đua “đăng-xóa-đăng-xóa” trên Wechat càng lúc càng quyết liệt, sau đó phải đăng trên tờ Tài Tân (Cai Xin, tờ kinh doanh QT của Trung Quốc).

Tài khoản của bà trên mạng xã hội Weibo, có 3,8 triệu người theo dõi, cũng bị khóa từ cuối tháng 02-2020 nhưng sau đó được mở lại. Nhưng các bài viết của bà đã được nhiều người khác sao chép lại và đăng lên rất nhiều tài khoản mạng xã hội khác, có người bình luận rằng đó là tiếng nói của lương tâm Vũ Hán.

Trong Nhật Ký Vũ Hán, nhà văn Phương Phương ghi chép chi tiết tình hình Vũ Hán từ ngày bắt đầu phong tỏa cuối tháng 1 cho đến khi thành phố được gỡ cách ly. Lồng ghép bên trong những con số thống kế về ca nhiễm, ca tử vong là những chỉ trích mạnh mẽ về cách chính quyền xử lý đại dịch.

Phương Phương thể hiện tâm trạng thất vọng về vụ phong tỏa, thương xót cho nhiều người bị ảnh hưởng, bị rời bỏ nhà cửa vì virus, ca ngợi các nhà báo dũng cảm đã cố gắng khám phá sự thật giữa cuộc tuyên truyền và đòi hỏi những người để cho tình trạng này xảy ra phải chịu trách nhiệm”, tờ China Digital Times tại California nhận xét khi dịch và đăng những bài viết trên mạng của bà Phương Phương. Ở Việt Nam, một số trang báo mạng cũng dịch và đăng một số trích đoạn của các bài viết này.

Cuốn nhật ký dài 208 trang được HarperCollins L.L.C đồng ý cho xuất bản vào tháng 6 tới đây bằng tiếng Anh và tiếng Đức.

Trên trang web chính thức của HarperCollins, nhà văn Phương Phương được giới thiệu là một trong những nhà văn được hoan nghênh và trân trọng nhất của Trung Quốc. Cuốn nhật ký của bà là một bằng chứng trung thực mạnh mẽ về cuộc sống ở Vũ Hán trong đại dịch COVID-19.

Vì việc in sách đó, bà Phương Phương bị dân mạng Trung Quốc cáo buộc là đã giúp cho nước ngoài tấn công Trung Quốc, trao cho nước ngoài “một lưỡi gươm lớn”.

Trên mạng Weibo, một người viết: “Nhật ký Vũ Hán là lưỡi dao trao cho ngoại nhân, một viên đạn bắn vào người Trung Hoa”. Một người khác viết: “Một người đàn bà chỉ viết một blog nhỏ, không hiểu biết gì về tình cảnh chung của đất nước. Có thể bà ta không thừa nhận rằng bà ta không ái quốc; bà ta nghĩ chúng ta là những kẻ cực đoan trong khi thực tế bà ta chỉ là một bà già ngu ngốc.”

Trên mạng Weibo, “Nhật ký Fang Fang” đã có 380 ngàn lượt xem, 94 ngàn thảo luận, và 8210 bài viết, cao nhất trong tuần lễ trước. Trên mạng Twitter, hashtag #wuhandiary có hằng trăm bài phê phán.

Không chỉ cư dân mạng ảo mà hôm thứ tư bản tiếng Anh của tờ báo chính thức của nhà nước Trung Quốc đăng bài xã luận nói “thật xấu hổ” khi thấy bà Phương Phương được tôn vinh trên truyền thông phương Tây – vốn thường xuyên nói xấu nỗ lực ứng phó với đại dịch của Trung Quốc. Trích dẫn “các nhà quan sát” bài xã luận nói nhật ký của bà Phương Phương “là thiên kiến và chỉ phô bày mặt tối của Vũ Hán mà bỏ qua những nỗ lực của nhân dân địa phương và sự hỗ trợ của cả đất nước“.

Tờ báo Anh the Guardian viết: Chuyện phải đến đã đến. Phải có chiến dịch tấn công phỉ báng Phương Phương. Không phải vì tình cảm nhất thời mà có mục đích và đã chuẩn bị kỹ từ trước ngày 8/4, ngày thực hiện dở bỏ lệnh phong tỏa Vũ Hán. “Cuộc tấn công nhắm vào Fang Fang kịch liệt và đầy thù hận đến mức đáng sợ”, đó là lời bình của Lý Viễn (Li Yuan) – một bỉnh bút của báo The New York Times.

Vì bà Phương Phương và người Vũ Hán đòi truy trách nhiệm những kẽ che giấu thông tin gây thiệt hại lớn cho dân Vũ Hán. Vì bà Phương Phương chống lại chủ trương “biết ơn lãnh đạo Trung Quốc” đã cứu dân khỏi dịch bệnh và bây giờ đang đi “cứu thế giới”. Ngay sau khi dở bỏ phong tỏa, người dân Vũ Hán đã bắt đầu nêu trách nhiệm của lãnh đạo Vũ Hán, bưng bít thông tin suốt 3 tuần tháng 1 khiến nhiều người dân bị chết oan.
Bao nhiêu người đã chết và gia đình họ đã bị huỷ diệt ở Vũ Hán?” bà Phương Phương viết ngày 31/3. “Nhưng cho đến nay không một người nào nói lời xin lỗi hay nhận trách nhiệm. Tôi còn thấy một nhà văn dùng câu ‘thắng lợi hoàn toàn’. Họ đang nói về chuyện gì đấy nhỉ?

Theo Guardian, cuốn sách ra đời trong thời gian đặc biệt nhạy cảm. Sự xuất hiện của cuốn sách bằng tiếng nước ngoài nên sẽ có lượng độc giả khổng lồ, tựa như một gáo nước lạnh tạt thẳng vào nỗ lực “ngoại giao mềm” của chính phủ Trung Quốc đang tìm cách cải thiện thể diện của mình.

Nhà văn Phương Phương không đưa ra bình luận nào về sự việc, chỉ cho biết rằng phản ứng dữ dội của cộng đồng về tác phẩm khiến bà nhớ đến Cách mạng Văn hóa trước đây của Trung Quốc.

Hiếu Bá Linh – Thoibao.de (Tổng hợp)