Sinh viên Trung Quốc xuống đường – phân tích từ góc độ phương pháp và chiến lược

Link Video: https://youtu.be/k7GCNY6uIU4

Những ngày qua, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra trên diện rộng tại Trung Quốc để phản đối chính sách Zero Covid của Tập Cận Bình. Những người biểu tình đã tràn xuống đường ở Vũ Hán, Thành Đô, Bắc Kinh, Thượng Hải và một số thành phố khác… Tại Vũ Hán, hàng trăm người đã tràn xuống đường, phá hàng rào cách ly, phá các trạm xét nghiệm Covid lưu động, đòi dỡ bỏ phong toả. Tại Thượng Hải, người biểu tình đã giơ cao những tờ giấy trắng để phản đối chính sách kiểm duyệt gắt gao của Trung Quốc.

Lần đầu tiên kể từ sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989, người Trung Quốc lại đưa ra khẩu hiệu yêu cầu lãnh đạo của họ từ chức. Lần đầu tiên, người Trung Quốc công khai ca ngợi tự do. Thậm chí, có những nhóm còn hô vang “Đả đảo Đảng Cộng sản, đả đảo Tập Cận Bình”.

Nhiều người bất đồng chính kiến Việt Nam rất vui mừng trước sự kiện này, họ cho rằng, “anh lớn” sắp ngã rồi. Họ còn nghĩ đến cả hiệu ứng domino sẽ xảy ra trong khu vực, một khi Trung Quốc nội loạn và Đảng Cộng sản Trung Quốc sụp đổ. Nhưng cũng nhiều người lo lắng về một sự kiện tương tự Thiên An Môn sẽ lặp lại trên khắp Trung Quốc.

Trong thực tế, Đảng Cộng sản Trung Quốc rất có kinh nghiệm đàn áp biểu tình, kể cả những cuộc biểu tình có quy mô và có tính tổ chức cao như Phong trào Dù Vàng HongKong, còn những cuộc biểu tình lẻ tẻ lâu nay vẫn xảy ra thì họ dễ dàng bóp chết từ trong trứng nước. Những biện pháp phản biểu tình, biện pháp phá rối và gây chia rẽ của họ luôn tỏ ra rất hiệu quả.

Hình: người dân Thượng Hải giơ cao tờ giấy trắng để phản đối kiểm duyệt

Tuy nhiên, lần xuống đường này của người Trung Quốc nhìn có vẻ khá bài bản.

Về phương pháp, trong phong trào phản đối Zero Covid lần này, có thể nói, người Trung Quốc đã thực hiện một cách thức mới và khá hữu hiệu. Họ sử dụng cách chơi chữ tinh vi để biểu đạt và lan truyền thông điệp. Họ sử dụng từ “vỏ chuối”, từ có cùng chữ cái đầu với tên của ông Tập, kết hợp với từ “hà đài” (có nghĩa là rêu tôm) có cách phát âm tương tự “hạ đài”, nghĩa là “bước xuống”.

Một cách thức phổ biến khác là tách rời hình ảnh ra khỏi bối cảnh thực và cắt ghép chúng lại để biểu thị ý nghĩa phản kháng. Các video về ông Tập Cận Bình được sử dụng với mục đích ủng hộ biểu tình. Ví dụ, trong một video, ông Tập nói: “Bây giờ người dân Trung Quốc có tổ chức và không nên để bị coi thường”. Những cách thức cắt ghép lời nói của một người để trở thành một câu nói có ý nghĩa khác, thậm chí là hoàn toàn ngược lại ý nghĩa ban đầu của người phát ngôn, là cách thức phổ biến mà an ninh Cộng sản hay dùng khi muốn chụp mũ, ghép tội cho một ai đó. Nay lại được người dân Trung Quốc sử dụng để chống lại chính những người Cộng sản.

Người Trung Quốc còn dùng các video về World Cup chèn thêm tiếng hét to: “Hãy đeo khẩu trang vào”, “Hãy xét nghiệm Covid”… ngụ ý nhạo báng chính sách Zero Covid. Một nhóm sinh viên đại học đã đăng video họ hát bài “Hải Khoát Thiên Không”, một bài hát ca ngợi tự do mà sinh viên HongKong từng sử dụng trong các phong trào của họ. Rất nhiều nơi, nhiều nhóm đã hát Quốc ca và Quốc tế ca để chính quyền không có lý do cáo buộc họ phản quốc hoặc bị thế lực nước ngoài xúi dục. Họ còn sử dụng VPN để vượt tường lửa, truyền thông điệp từ Trung Quốc ra bên ngoài, cũng như tiếp nhận các thông tin từ bên ngoài vào Trung Quốc…

Hình: Cảnh sát Trung Quốc lập hàng rào ngăn người biểu tình

Lệnh phong toả xã hội một cách hà khắc lại vô tình tạo điều kiện cho các nhóm sinh viên có thời gian và điều kiện tụ tập lại cùng nhau. Bị cách ly trong các ký túc xá, sinh viên dễ dàng lập thành từng nhóm có chung quan điểm. Đây là điều kiện rất quan trọng trong việc xây dựng kế hoạch, xây dựng chiến lược cho quá trình đấu tranh phi bạo lực dưới hình thức bất tuân dân sự. Cho nên, có thể thấy, lần đầu tiên kể từ sau vụ Thiên An Môn, sinh viên Trung Quốc lại có cuộc xuống đường tương đối quy mô.

Thành phần sinh viên luôn là thành phần quan trọng trong các cuộc cách mạng phi bạo lực trên thế giới. Từ Phong trào Otpor ở Serbia năm 2000, Mùa xuân Ả Rập năm 2011, Phong trào Hoa Hướng Dương ở Đài Loan năm 2014, đến Phong trào dân chủ ở HongKong và mới đây nhất là Phong trào dân chủ ở Thái Lan và Miến Điện, chúng ta đều thấy bóng dáng những lãnh đạo phong trào là sinh viên. Họ vừa trẻ trung, vừa năng động, sáng tạo và vừa có khả năng tiếp thu những điều mới từ thế giới văn minh, từ công nghệ, khoa học, cho đến phương pháp và chiến lược đấu tranh. Khi lực lượng sinh viên đủ lớn mạnh, đủ cứng cáp, họ sẽ làm nên chuyện.

Phong trào ở Trung Quốc còn quá mới và chưa thể hiện rõ đây là tự phát hay có sự tổ chức ngấm ngầm đằng sau. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra cho chúng ta hy vọng và có thể lạc quan về một tương lai gần, Trung Quốc sẽ xuất hiện những gương mặt trẻ nổi bật như Hoàng Chi Phong của HongKong. Và hy vọng, một thế hệ trẻ Trung Quốc sẽ rút kinh nghiệm từ những thế hệ đi trước họ để có được những phương pháp và chiến lược hữu hiệu cho công cuộc đi tìm tự do của dân tộc họ.

Kim Giang – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Trần Đại Quang và Nguyễn Bá Thanh đã đi đâu trước khi ngã bệnh? Ông Lê Văn Thành có lặp lại?

>>> Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nói “Tau khỏe có chi mô” rồi chỉ đạo công việc?

>>> Kế hoạch đưa cả “tập đoàn” đào thoát khỏi tay Tô Lâm, bí ẩn chồng bí ẩn về người đạo diễn phía sau!

Xuất hiện sau lần ngã ngựa, ông Nguyễn Văn Thể là “tù dự bị” hay “vật trang trí”?