Nếu cải cách, tân Tổng Bí thư sẽ cải cách theo hướng nào?

Truyền thông quốc tế đưa tin, tân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ đến Hoa Kỳ trong tháng 9/2024, với mục đích dự phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York.

Đồng thời, nguồn tin cũng cho biết, khả năng cao, ông Tô Lâm sẽ gặp Tổng thống Joe Biden bên lề khóa họp, để thảo luận các vấn đề liên quan giữa 2 nước.

Trên cương vị Tổng Bí thư, ông Tô Lâm cho biết, sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế, với mục đích đưa Việt Nam trở nên giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là lý do, sau khi Chủ tịch nước Tô Lâm trở thành Tổng Bí thư, đã có một số ý kiến cho rằng, ông sẽ có các cải cách chính trị, có thể phá bỏ mô hình cũ, thay thế bằng mô hình chính trị mới, mang bản sắc riêng.

Sự xuất hiện trở lại của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bên cạnh ông Tô Lâm, cũng gây chú ý. Trong quá khứ, ông Ba Dũng là một nhân vật được đánh giá có xu hướng cải cách, thân phương Tây và Hoa Kỳ.

Theo một số ý kiến, nếu như có xúc tiến việc cải cách, tân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ đứng trước 2 lựa chọn:

  1. Mô hình chính trị Trung Quốc: Xây dựng quốc gia pháp trị Xã hội Chủ nghĩa, với Đảng Cộng sản Trung Quốc là lãnh đạo duy nhất của đất nước.
  2. Mô hình chính trị Nga, dưới thời của Tổng thống Putin: Một nhà nước trên danh nghĩa là nhà nước pháp quyền dân chủ, với một hệ thống chính trị đa đảng. Tuy nhiên, trên thực tế, ông Putin đã bóp nghẹt dân chủ, và tiêu diệt đối lập, nhưng vẫn coi trọng ý chí số đông của cử tri trong các cuộc bầu cử.

Với việc tân Tổng Bí thư Tô Lâm nắm chắc trong tay hệ thống an ninh, kiểm soát xã hội chặt chẽ, nên có ý kiến cho rằng ông Tô Lâm có thể sẽ lựa chọn mô hình nước Nga.

Dẫu rằng, theo một số đánh giá, tân Tổng Bí thư Tô Lâm và cựu Thủ tướng Ba Dũng được cho là các nhân vật cải cách. Tại sao, một mô hình dân chủ pháp trị, đa nguyên, lại không được ông Tô Lâm đề cập và lựa chọn?

Xin khẳng định, đây là điều không thể, trong một thể chế chính trị còn sặc mùi “Xô viết” như ở Việt Nam hiện nay.

Bỏ qua yếu tố chính trị Việt Nam luôn phụ thuộc Trung Quốc, dưới các triều đại phong kiến, và cả chính trị cận đại. Khác với các quốc gia văn minh tiến bộ ở khu vực châu Á, Việt Nam hiện nay có đường biên giới khoảng 1.350 km trên bộ với Trung Quốc, ở phía Bắc.

Nếu Việt Nam đi theo mô hình chính trị của các quốc gia dân chủ phương Tây, thì chỉ có thể tồn tại trong “phút mốt”. Vì chắc chắn, Ban lãnh đạo Bắc Kinh sẽ không ngồi yên, họ sẽ kiếm cớ gây hấn, để xóa bỏ nền chính trị đó.

Chưa kể, nội bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng đang chia rẽ trầm trọng, trong đó, phe thân “Tàu” chiếm đa số. Chỉ cần Bắc Kinh bật đèn xanh, lập tức sẽ có chính biến, và Trung Quốc chỉ chờ một cơ hội như vậy, để khống chế Việt Nam chặt chẽ hơn.

Học giả Trương Nhân Tuấn bình luận: “Việt Nam cần có một Putin hay một Đinh Bộ Lĩnh?”. Theo tác giả, Việt Nam xưa nay đã rập khuôn mô hình Trung Quốc. Sắp tới, xác suất đến 95%, Việt Nam sẽ tiếp tục theo mô hình này, và Tô Lâm sẽ là một Tập Cận Bình của Việt Nam. Đồng thời, ông Trương Nhân Tuấn khẳng định, Việt Nam không bao giờ theo phe Mỹ.

Đó là lý do, Hoa Kỳ ra sức ve vãn Việt Nam bằng mọi cách, nhưng Ban lãnh đạo Hà Nội vẫn “đỏng đảnh”. Không phải vì Việt Nam làm mình làm mẩy theo kiểu cô gái đẹp, mà vì lãnh đạo Việt Nam hiểu rõ, ngả theo Mỹ là mất quyền lực vào tay phe khác trong Đảng.

Như vậy, nếu có cơ hội để thiết lập thể chế Cộng hoà Tổng thống ở Việt Nam, thì ông Tô Lâm có thực hiện không? Có thể khẳng định, đây là điều không thể – một khi Nhà nước Cộng sản ở Bắc Kinh vẫn còn tồn tại.

 

Trà My – Thoibao.de