Quân đội và Công an tranh giành, Đảng nhuộm màu quân phiệt!

Thời kỳ quân quản là cách gọi chính quyền do quân đội quản lý. Ở thời kỳ này, người cầm quyền cao nhất là tướng quân đội. Hoặc có thể, khi đất nước đang trong thời kỳ chiến tranh, hầu hết những người đứng đầu chính quyền cũng là tướng tá quân đội.

Ở Việt Nam, công an là lực lượng vũ trang thứ 2, sau quân đội. Cấp bậc trong ngành công an cũng tương tự quân đội. Cho nên, nếu người đứng đầu chính quyền là tướng công an, thì cũng có thể xem, đây là một hình thức “quân quản” trong bộ máy chính quyền.

Hiện nay, “Tứ trụ” – nơi có vị trí cao nhất trong tháp quyền lực của chính quyền Cộng sản, có đến 3 vị tướng: Tô Lâm – Đại tướng Công an, Phạm Minh Chính – Trung tướng Công an, Lương Cường – Đại tướng Quân đội. Chỉ còn lại duy nhất vị trí Chủ tịch Quốc hội là không phải đến từ lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, ông Trần Thanh Mẫn chỉ là giải pháp tạm thời, đến hết nhiệm kỳ này, có thể, ông Mẫn không trụ nổi.

Rồi đây, các thứ trưởng Bộ Công an, thứ trưởng Bộ Quốc phòng là uỷ viên Trung ương Đảng, thì nhiều người cũng nhảy ngang sang các chức vụ bí thư tỉnh, như Phạm Minh Chính, Nguyễn Đức Chung, Phan Đình Trạc vv… Từ đó, những tướng tá này trèo cao dần, và nắm những vị trí quan trọng ở Trung ương.

Mới đây, ông Nguyễn Doãn An – Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng Quân đội, đã nhảy sang chức Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hóa. Tướng công an nắm chức bí thư tỉnh thì nhiều, còn tướng quân đội thì ít hơn. Trường hợp ông Nguyễn Doãn An được đánh giá là do phe quân đội và công an cạnh tranh nhau trong bộ máy chính quyền, từ Trung ương đến địa phương.

Trong Chính phủ, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Thiếu tướng Quân đội, đang nắm giữ chức Bộ trưởng Thông tin Truyền thông. Ngoài ông Phạm Minh Chính là Trung tướng Công an, thì trong Chính phủ còn có ông Nguyễn Hòa Bình – Phó Thủ tướng Thường trực, cũng là Thiếu tướng Công an.

Trong Ban Bí thư, ông Nguyễn Duy Ngọc là Thượng tướng Công an; ông Nguyễn Trọng Nghĩa là Thượng tướng Quân đội; ông Vũ Hồng Văn là Thiếu tướng Công an vv… Gần như, tướng tá công an và quân đội chiếm lĩnh các vị trí quan trọng trong Đảng và chính quyền, ngày càng nhiều.

Việc bầu và bổ nhiệm những tướng tá quân đội vào chính quyền ngày một nhiều, có phải do Đảng lo sợ bị sụp đổ, nên chuyển dần sang mô hình “chính quyền quân quản”? Hay do phe quân đội và công an dùng súng đạn để tranh giành với phần còn lại, nên họ mới chiếm đa số?

Có thể thấy, hiện nay, Đảng không còn thống nhất như trước, chẳng phe nào chịu thiệt, họ tranh nhau từng chút, bất kể thủ đoạn. Vậy nên, khó có chuyện toàn Đảng thống nhất để chuyển dần sang hình thức “quân quản”, mà chẳng qua, đó là do quân đội và công an đang có lợi thế để tranh giành quyền lực.

Công an có bộ máy điều tra khổng lồ, khi Tô Lâm lên làm Bộ trưởng, ông đã dùng Bộ Công an như một thứ vũ khí, để chống lại các “đồng chí” của ông. Trong Đảng, không một quan chức nào trong sạch, nên trong tay Tô Lâm mới có được kho dữ liệu đen khổng lồ.

Quân đội cũng không vừa, họ có bộ máy điều tra riêng và cơ quan tình báo. Đây là những nơi thu thập nhiều dữ liệu đen của các “đồng chí” trong Đảng. Đó là lý do chính khiến cho quân đội và công an thường thắng thế, trước các thế lực khác.

Khi chính quyền Cộng sản ngày một quân phiệt hơn, thì những nhà kỹ trị sẽ không có đất sống. Hoặc nếu muốn tồn tại, giới kỹ trị cũng phải tự đổi màu theo xu hướng chung. Có thể nói, tương lai Việt Nam vô cùng đen tối.

Thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài đang rất lo ngại, khi đầu tư vào Việt Nam. Những doanh nghiệp đã từng đầu tư và đang hoạt động, thì cũng tính đường rút chạy. Nguyên nhân là luật ngày một bị chà đạp trắng trợn hơn, và hà khắc hơn.

Thượng tầng chính trị cắn xé, đất nước tàn mạt, người dân lầm than.

 

Hoàng Phúc – Thoibao.de